Viện phí mới: Nhiều dịch vụ được hỗ trợ

Thứ ba, ngày 23/10/2012

Đến nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 04 - Thông tư liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Riêng đối với tỉnh Bình Dương, sẽ áp dụng thực hiện viện phí theo thông tư này vào ngày 1-1-2013. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Văn Quang Tân, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Tiền chưa phải là yếu tố quyết định

Theo ông Tân, ngoài cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại thì yếu tố cán bộ, con người vẫn là trên hết và quyết định nhất. Việc đào tạo một bác sĩ phải mất 6 năm, một bác sĩ chuyên ngành, chuyên khoa giỏi lại càng lâu hơn nữa. Để có đủ số lượng y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở, đạt yêu cầu về chất lượng cũng không thể là một sớm một chiều. Thế nên, đòi hỏi cần có cơ chế, quy định sử dụng, quản lý con người, cán bộ một cách hợp lý, quyền lợi chính đáng được bảo đảm ngang tầm với trách nhiệm... để có thể trở thành một lực đủ mạnh, đủ sức thu hút họ về tỉnh, đủ sức giữ chân họ để tiếp tục phục vụ, làm việc tại các cơ sở y tế Nhà nước trong tỉnh.  

Quá tải ở khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hy vọng tới đây không còn cảnh 2 bé/giường thế này   

Hiện nay trong tỉnh ta, chủ trương xã hội hóa về y tế được thực hiện rất mạnh, với hơn 2.400 cơ sở tư nhân cung cấp các dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh. Một thực tế rõ ràng là thu nhập bình quân của cán bộ y tế tại các cơ sở này cao gấp rất nhiều lần so với thu nhập của cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở công lập. Từ đó đã dẫn đến nhiều trường hợp y bác sĩ nhất là người giỏi đã rời cơ sở y tế Nhà nước ra “đầu quân” cho các cơ sở tư nhân hoặc tự thành lập cơ sở tư nhân riêng. Điều này càng làm cho tình trạng các cơ sở y tế công lập thiếu nhân lực, thiếu bác sĩ, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như thiếu về số lượng lẫn chất lượng các dịch vụ y tế tại tất cả các tuyến. Không chỉ tại các cơ sở y tế công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân, ngoài công lập cũng đang đối mặt với vấn đề không đủ nguồn lực, thiếu bác sĩ, thiếu dược sĩ vì do “nước chảy về chỗ trũng” và do phân tán chia nhỏ ra nhiều cơ sở trong khi với tổng số lượng bác sĩ, dược sĩ hiện có trong tỉnh vốn đã thiếu. Lại thêm số bác sĩ, dược sĩ mới tốt nghiệp ra trường của tỉnh hàng năm còn ít, số người ngoài tỉnh thu hút về Bình Dương không nhiều càng làm cho thiếu trầm trọng hơn không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu. Từ đó dẫn đến tình trạng quá tải kéo dài tại các bệnh viện, cơ sở có dịch vụ có chất lượng, đặc biệt là tuyến y tế từ tỉnh cho đến thành phố, Trung ương như hiện nay. Yếu tố con người là quan trọng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực là một thách thức lớn.

Vẫn còn nhiều dịch vụ được hỗ trợ

Bình Dương có dân số hơn 1,7 triệu người trong đó có đến 1/3 là công nhân lao động ngoài tỉnh, là một trong những địa phương có độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cao trong cả nước và là tỉnh làm tốt công tác cấp phát thẻ BHYT cho hộ nghèo. Tỉnh dự báo, áp dụng giá mới của các dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 04, ít nhiều sẽ gánh nặng cho người lao động, người có đời sống khó khăn nhất là các đối tượng không tham gia BHYT. Với các đối tượng có tham gia BHYT sẽ làm tăng khoản đồng chi trả. Vì vậy, xây dựng và áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh mới này được tỉnh thực hiện hết sức thận trọng, thực hiện có lộ trình và hầu hết các giá còn được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của tỉnh. Sau 1 năm thực hiện ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ có điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Trong triển khai thực hiện khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước theo Thông tư 04 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Tài chính, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện chậm hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính thức sẽ thực hiện từ 1-1-2013 gồm 955 dịch vụ với mức thu bình quân là 64,43% so với khung giá tối đa của Thông tư liên tịch 04, trong đó có 660 dịch vụ áp dụng giá mới với mức trung bình 70,89% và 295 dịch vụ có mức thu bình quân 50% so với khung giá tối đa của Thông tư liên tịch 04 (do tiếp tục áp dụng theo mức cũ tại Quyết định 12/2010/UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá thu một phần viện phí cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh). Vì vậy có thể nói với giá các dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập tỉnh thấp hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các tỉnh bạn trong khu vực và sẽ không là gánh nặng lớn cho người bệnh.

QUỲNH NHƯ