Đờn ca tài tử Bình Dương

Viên ngọc sáng của âm nhạc cổ truyền Nam bộ

Thứ năm, ngày 23/03/2017

(BDO) Tuy là loại hình âm nhạc đặc trưng của người Việt ở Nam bộ, nhưng đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Bình Dương đã có những nét riêng độc đáo bên cạnh những nét chung có tính chất phổ biến của toàn vùng. Vậy, để tìm ra được những đường nét riêng trên bức tranh tổng thể của nghệ thuật ca cầm ở Nam bộ có lẽ là việc làm không phải dễ dàng, song lại rất cần thiết đối với công tác bảo tồn và phát huy bền vững ĐCTT ở Bình Dương.

Vùng đất lành của âm nhạc cổ truyền Nam bộ

Theo tiến sĩ văn hóa học Mai Mỹ Duyên, trong số các tỉnh, thành phố sớm có nghệ thuật ĐCTT thì Bình Dương được xem là vùng đất lành của âm nhạc cổ truyền Nam bộ. Vùng đất này dồi dào dương khí, địa hình, thổ nhưỡng thuận lợi nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, giao thương hàng hóa và các loại hình dịch vụ phát triển. Vùng đất này còn là nơi hội tụ của nhiều tộc người (trong đó người Việt chiếm đa số) cùng cộng cư, cộng cảm suốt thời kỳ khẩn hoang, lập ấp và đoàn kết kháng chiến bảo vệ đất nước, giành hòa bình độc lập cho đến ngày nay. Những con người quả cảm, hào hiệp, trọng nghĩa cũng là những con người tài hoa, dồi dào ý tưởng sáng tạo và tâm huyết với nghệ thuật dân tộc. Những sáng tạo về bài bản, phong cách diễn tấu, dây nhạc, truyền dạy căn cơ… của các bậc tiền nhân đã góp phần làm cho loại hình âm nhạc này ở Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung có một vị thế xứng đáng trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Một tiết mục biểu diễn của CLB ĐCTT TP.Thủ Dầu Một trong chương trình giao lưu Liên hoan ĐCTT khu vực Đông Nam bộ mở rộng 2016

Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của ĐCTT ở Bình Dương, TS Mai Mỹ Duyên đã đúc kết như sau: Do sự tương đồng về địa lý, nhân văn nên lịch sử hình thành và phát triển ĐCTT ở Bình Dương cũng có tính chất chung như các địa phương khác ở vùng Nam bộ. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, khi các nho sĩ ra kinh đô Huế ứng thí (Phan Hiển Đạo ở Mỹ Tho) tiếp thu đờn ca Huế dưới triều vua Tự Đức và những nhạc quan, nhạc công của âm nhạc cung đình bị “giản biên” vào Nam tìm đất sống (Nguyễn Quang Đại, Nguyễn Liêng Phong…) thì ngay trên vùng đất này đã có sẵn một dòng nhạc lễ dân gian được hình thành khi công cuộc khẩn hoang lập ấp hoàn thành. Dòng nhạc lễ dân gian đó nếu xét trên tính chất bài bản, cung cách diễn xướng, quy trình hành lễ… chúng ta thấy dáng dấp mô phỏng âm nhạc cung đình nhưng được sửa đổi, cải tiến và sáng tạo cho phù hợp với đời sống dân gian (để không phạm húy). “Như vậy, trên nền tảng âm luật ngũ cung của dân tộc, tất cả các dòng nhạc từ cung đình đến dân gian đã giao hòa để rồi nảy sinh ra một dòng âm nhạc thính phòng đặc trưng của Nam bộ, mà vùng đất Bình Dương là một trong những nơi sớm phát triển trong giai đoạn hình thành ĐCTT. ĐCTT phát triển nhanh rộng bởi sự tranh đua sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa mà tiêu biểu là các nhóm nhạc của 2 miền Đông - Tây Nam bộ”, TS Mai Mỹ Duyên nói thêm.

Chất ngọc sáng của ĐCTT Bình Dương

Hòa cùng dòng chảy của nhạc sĩ tài tử miền Đông, đất Bình Dương đã có biết bao thế hệ đóng góp vào nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Trước hết, Sư Dung và ông Giáo Khái là hai học trò của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, có vai trò lớn trong

 diễn trình lịch sử của ĐCTT Nam bộ. Hai ông đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân cho làng nhạc tài tử như: Út Lăng, Giáo Thinh (nhạc sư Nguyễn Văn Thinh, giám học ngành quốc nhạc thuộc trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn nay là khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh), vang danh trong giới nghệ thuật truyền thống Nam bộ.

Bước tiếp con đường nghệ thuật của các bậc tiền bối, những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trên đất Bình Dương đã lần lượt khẳng định tên tuổi của mình. Trong đó, có Văn Còn (sáng tác dây Ngân Giang), Mười Phú (sáng tác bản Ngũ khúc long phi), Út Búng (sáng tác bản Tây thi quảng)… và các soạn giả nổi tiếng của sân khấu cải lương: Quy Sắc, Phan Hương, Thế Châu, Loan Thảo với những vở tuồng, bài ca vọng cổ lưu danh hậu thế. Từ bản Tây thi quảng do nghệ nhân Út Búng sáng tác đã kích thích tinh thần cải tiến các bài bản điệu Bắc để diễn tấu, hòa ca theo hơi Quảng. Hay bản nhạc Ngũ khúc long phi của nghệ nhân Mười Phú đầy đủ các hơi: Bắc, Oán, Nam, Hạ, chuyển điệu rất phức tạp và tinh tế, được khán giả yêu thích và thường được tài tử diễn tấu trong các chương trình hòa nhạc.

Các tiền bối này phần lớn đã ra đi, song ngón đờn tài hoa, lối ca các bản Lễ điêu luyện luyến láy sang trọng mang hơi hướng cung đình, phong cách diễn tấu đặc biệt (cách sử dụng cây đờn kìm) và niềm say mê sáng tác… vẫn được lưu truyền trong lớp thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ hiện nay, như: Kim Lệ Thi, Thu Hồng, Phước Trọng, Kiều My… Cũng như các tiền bối, hiện họ đang nỗ lực hoạt động trên các phương diện: Sáng tạo, trình diễn và truyền dạy.

Cũng theo TS Mai Mỹ Duyên, do đất Bình Dương hội đủ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên nghệ thuật ĐCTT được bảo tồn và phát huy bền vững. Tuy nhiên, để có thể khẳng định được vị thế của ĐCTT Bình Dương trong nền âm nhạc cổ truyền Nam bộ thì yếu tố nhân hòa vô cùng quan trọng. Hòa cũng có nghĩa là hợp, là sự gắn kết chặt chẽ không thể bứt rời. Trong đời sống cộng đồng, hòa hợp tạo nên sức mạnh đoàn kết. Và chỉ có hòa hợp mới tạo nên cộng lực mạnh mẽ để các câu lạc bộ, ban nhóm ĐCTT ở Bình Dương tiếp tục sáng tạo, truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật của dòng âm nhạc này. Và cũng để khẳng định vị thế của Bình Dương trên hành trình đi đến tương lai.

THỤC VĂN