Việc thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thủ Dầu Một
(Tiếp theo số báo ngày 2-2-2012)
Giữa lúc dân tộc Việt Nam đang khủng hoảng về con đường cứu nước thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc với lòng yêu nước nồng nàn, sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước - con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và nhân dân ở nước ta. Năm 1925, Người đến Quảng Châu tiếp xúc với người Việt Nam yêu nước, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác -Lênin vào phong trào công nhân và quần chúng nhân dân trong nước.
Từ năm 1928-1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy... từ đó phong trào công nhân, phong trào cách mạng có bước phát triển mới. Nhờ sự tuyên truyền, giáo dục của hội cùng với sự tôi luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng, nhiều nơi đã xuất hiện những nhân tố điển hình báo hiệu sự hình thành tổ chức mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào cách mạng trong nước. Cũng vào những năm này, phong trào cách mạng nước ta diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh có liên hệ chặt chẽ với nhau và phát triển rộng khắp. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi chống lại bọn cường hào cướp đoạt ruộng đất, đòi giảm sưu thuế, học sinh bãi khóa, tiểu thương, tiểu chủ chống thuế...
Cuối năm 1929 đầu năm 1930, ở nước ta xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (9-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1930). 3 tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở 3 miền đất nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiên tiến trong tổ chức thanh niên, mở ra một cao trào thành lập các chi bộ cộng sản ở các địa phương trong nước. Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ xây dựng cơ sở, tháng 1-1930, chi bộ dự bị đặc biệt được thành lập tại Đề-pô xe lửa Dĩ An gồm 2 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một. Từ đó phong trào công nhân tại địa phương có bước phát triển mới.
Tháng 8-1930, Chi bộ Cộng sản xã Bình Nhâm được thành lập. Lớp đảng viên đầu tiên gồm các đồng chí: Ba Phèn làm Bí thư chi bộ, Hồ Văn Cống, Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Lộng, Đinh Văn Sáng. Sau khi thành lập, chi bộ Bình Nhâm tiến hành tổ chức Nông hội đỏ ở một số xã và Hội Tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc... thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trong những tháng cuối năm 1930, 4 lần nhân dân ở đây tổ chức mít-tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên hội tề xã... Nổi bật nhất là cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930, chi bộ Đảng xã Bình Nhâm đã vận động được khoảng 200 người đến dự tại miếu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu. Tại cuộc
mít- tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thay mặt chi bộ nêu mục đích, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong dịp kỷ niệm ngày lễ này, một số nơi lân cận tiến hành rải truyền đơn “ủng hộ chính quyền liên bang Xô Viết”.
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp tăng cường khủng bố đẫm máu nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản và dập tắt phong trào cách mạng. Nhưng phong trào cách mạng tiếp tục diễn ra sôi nổi. Đó chính là kết quả tổ chức chặt chẽ của cơ sở Đảng ở địa phương, là sự tuyên truyền hướng dẫn tích cực của Tỉnh ủy Gia Định. Ngoài ra, đảng viên và một số quần chúng ở Thủ Dầu Một được tiếp thu những kinh nghiệm đấu tranh thông qua các tờ báo cách mạng được lưu hành bí mật như: Lao động của Tỉnh ủy Gia Định, Giải phóng của Ban Chấp ủy miền Đông Nam kỳ, La Lutte... Từ khi ra đời, tổ chức cơ sở Đảng ở Thủ Dầu Một đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều mặt, xây dựng được cơ sở Đảng vững chắc, phát triển thêm đảng viên mới để chuẩn bị điều kiện lập thêm chi bộ, xây dựng được các tổ chức quần chúng bí mật, bán công khai.
Việc ra đời và hoạt động của đảng viên cộng sản ở Thủ Dầu Một cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân đã khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân Thủ Dầu Một vẫn một lòng đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng.
V.T