Vị tướng của nhân dân
(BDO) “Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”. Trọn cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao và đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Tên tuổi và sự nghiệp của đại tướng gắn liền với những mốc son chói lọi, oanh liệt nhưng cũng đầy hy sinh, gian khổ, không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh thế giới và luôn sáng mãi trong lòng nhân dân…
Những khoảnh khắc đời thường bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiếp ảnh gia người Pháp Jean - Claude Labbe ghi lại năm 1983
“Người anh cả”
Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ta nghĩ ngay đến người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cách đây gần 77 năm, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân chỉ từ 34 chiến sĩ, với vũ khí trang bị thô sơ, từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Chỉ 4 năm sau, bằng những trận chiến và đánh thắng oanh liệt, ngày 28-5-1948, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên trong quân đội khi mới 37 tuổi.
Dấu ấn lịch sử Điện Biên Phủ
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn, trong đó lớn nhất là Điện Biên Phủ. Cho đến hôm nay, “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” vẫn là cụm từ được người dân nhắc đến với đầy sự tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Như chính đại tướng từng nói, trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng; trải qua một “cuộc sát hạch” trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình, lập luận một cách khoa học đủ sức thuyết phục để nhận được sự đồng thuận. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.
Trải qua hơn 100 ngày ở mặt trận Điện Biên Phủ, ông cùng với toàn quân đã lập nên chiến công lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại; xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó. Có thể nói, không một quân chủng, binh chủng nào được xây dựng, trưởng thành mà không mang dấu ấn của đại tướng.
Theo lời kể của ông Ao Sĩ, Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương, người trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam diễn ra gay go và ác liệt, cần thiết phải có một con đường để hành quân và vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường lớn. Năm 1959, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ thị rất cụ thể: “Việc mở đường không được ai biết, không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật, một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một vật chứng làm hỏng việc lớn...”. Hai con đường huyết mạch huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đó đã thay đổi thế cờ của cuộc chiến ở miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đặc biệt khi Quân đoàn 2 của địch tan rã trên đường rút chạy khỏi Tây nguyên. Ngày 18-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương đề nghị và được Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975; hạ lệnh cho Quân đoàn 1 lên đường, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quảng - Đà vừa mới thành lập nhanh chóng tiến công Đà Nẵng. Thượng tướng Lê Trọng Tấn đã chấp hành nghiêm chỉ thị, chỉ trong 32 giờ bộ đội ta đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía đông và ra mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…” cho toàn quân xốc tới tiến vào giải phóng Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa xuân 30-4-1975.
Đại tướng đã về với cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi luôn sáng mãi cùng lịch sử của dân tộc, trong sự kính yêu vô hạn của người dân Việt Nam, sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ của loài người yêu chuộng hòa bình khắp năm châu bốn biển. Đại tướng mãi là tấm gương vềmột nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung. Người là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.
THU THẢO (tổng hợp)