Khai thác và quản lý tốt đất đai:
Vì tiến trình phát triển bền vững
(BDO) Khai thác và phát huy nguồn lực đất đai, nên sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, vì tiến trình phát triển bền vững.
Từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2010-2015) của tỉnh Bình Dương cũng như cấp huyện, cấp xã đã được lập, thẩm định và xét duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Cụ thể là Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19- 6-2013; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã đã được hoàn thành trước ngày 1-7-2014.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 5 Nghị quyết về danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh và cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan chức năng đã tổ chức công bố, công khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định. Bình Dương hiện đang triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Cụ thể, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh đã được điều chỉnh và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 12-8-2016, trình Chính phủ xét duyệt tại Tờ trình số 4594/TTr-UBND ngày 26-12- 2016 và được Bộ TN&MT thẩm định tại Thông báo số 58/TB-BTNMT ngày 30-3-2017. Sau khi điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh tổ chức xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện theo quy định.
Hiệu quả từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm
Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, thông qua quy hoạch sử dụng đất, việc sử dụng đất được thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển nhà ở xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ và kết cấu hạ tầng phúc lợi xã hội.
Đến cấp giấy chứng nhận…
Bình Dương hiện đã thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính 91/91 xã, phường, thị trấn với diện tích 269.464 ha. Trong đó, tỷ lệ 1/500 với diện tích 5.586,89 ha, tỷ lệ 1/1.000 với diện tích 7.189,93 ha, tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 131.594,95 ha. Bình Dương cũng đã hoàn thiện lập sổ địa chính điện tử 91/91 xã, phường, thị trấn, số thửa đất đã đăng ký vào sổ từ ngày 1-7-2014 đến nay là 863.073 thửa/994.652 thửa; số xã đang sử dụng, cập nhật vào sổ địa chính dạng giấy từ trước đến nay 91/91 xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy, lũy kế đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn tỉnh đạt tỷ lệ 99,76% tương ứng diện tích 243.123,71 ha. Kết quả thực hiện đăng ký đất đai từ ngày 1-7-2014 đến nay với số lượng thửa đã đăng ký đất đai lần đầu toàn tỉnh là 994.652 thửa, diện tích 247.257,36 ha; số lượng thửa và diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 863.073 thửa với diện tích 246.531,46 ha.
Nhìn chung, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã tích cực chủ động trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, về cơ bản công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định. Đặc biệt là kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở giúp cho công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, thuận tiện, đồng thời tạo nền tảng cho việc quản lý đất đai theo hướng hiện đại hóa, quản lý đất đai theo phương pháp công nghệ số, tiến tới hội nhập với trình độ khoa học tiên tiến của các nước phát triển. Công tác đăng ký đất đai cũng đã cơ bản hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
P.V