Vì tiền, mất tình làng nghĩa xóm
(BDO) Từ láng giềng thân thiết, vì muốn có tiền làm ăn nên bà Lê Thị T. vay mượn tiền của bà Phạm Thị Mỹ L. với lời hứa hẹn bùi tai. Một thời gian sau, tiền đâu không thấy mà bà L. còn phải vất vả đi hầu tòa!
Tại đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng nguyên đơn là bà Phạm Thị Mỹ L. cho biết bà và bà Lê Thị T. là hàng xóm. Bà T. có nhu cầu làm ăn nên vay tiền của bà nhiều lần. Tháng 5 năm 2016, bà L. cho bà T. vay số tiền 150 triệu đồng, thỏa thuận về thời hạn vay là khi nào cần báo trước cho bà T. 1 tháng sẽ trả lại, tiền lãi hàng tháng là 3,5 triệu đồng. Bà L. trực tiếp đem tiền qua nhà đưa cho bà T., khi cho vay không làm giấy tờ ghi nhận. Lần 2, vào tháng 12 năm 2016, bà T. qua nhà bà L. vay thêm số tiền 60 triệu đồng, khi cho vay không lập giấy tờ ghi nhận. Tổng hai lần bà T. vay là 210 triệu đồng. Bà T. chưa trả tiền nợ gốc, tiền lãi đã trả được trên 44 triệu đồng.
Do vay mượn không lập giấy tờ ghi nhận, bà T. bỏ địa phương đi không hứa hẹn trả nợ. Sau một thời gian bỏ đi, bà T. trở về và đến ngân hàng để rút sổ tiết kiệm thì tình cờ bị phát hiện, nên các chủ nợ gọi nhau cùng đến làm việc với bà. Vì bà T. không hợp tác nên những người cho vay nhờ công an đề nghị bà về UBND xã làm việc. Tại đây, bà T. viết giấy ghi nhận số nợ cho mọi người để làm tin, tiêu đề của giấy ghi nhận nợ là “Giấy hứa tiền”. Bà L. chỉ biết đọc, không viết được chữ, chỉ ký được tên của mình. Giấy hứa tiền là do bà T. viết toàn bộ, số nợ cũng do bà T. viết, sau đó phần nợ của ai thì người đó ký tên vào phía sau để tự xác nhận. Khi viết giấy, bà T. ghi nợ bà L. 200 triệu đồng, sau đó cháu bà L. phát hiện sai sót số tiền nợ là 210 triệu đồng mà bà T. chỉ ghi 200 triệu đồng. Bà T. tự sửa lại số 0 thành số 1 là 210 triệu đồng.
Sau khi bà T. viết “Giấy hứa tiền” xong thì có người đi photocopy 5 - 6 tờ giao cho mỗi người một tờ, trong đó có bà L. Khi bà T. viết giấy hứa tiền có sự chứng kiến của các chủ nợ khác. Thế nhưng, tại bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng, bà T. chỉ thừa nhận có vay của bà L. chỉ 20 triệu đồng, khi cho vay không làm văn bản ghi nhận, bà L. trực tiếp giao tiền cho bà T. tại nhà bà L. Khi vay, thỏa thuận là khi nào có tiền thì trả, hàng tháng cứ trả tiền lãi. Bà T. đóng lãi cho bà L. đến tháng 11 năm 2017 được 42 tháng, tương ứng 21 triệu đồng.
Bà T. cho rằng phần nợ của bà L. ai đó đã ghi thêm vào tờ giấy và sửa lại từ 20 triệu đồng thành 210 triệu đồng; thực tế bà chỉ nợ bà L. 20 triệu đồng! Nói là vậy nhưng bà T. không có ai làm chứng, bà T. cũng không yêu cầu giám định chữ viết trong “giấy hứa tiền”. Nội dung số tiền nợ của mọi người là do bà T. tự ghi nhiều chủ nợ cũng làm chứng việc bà T. ghi và sửa số tiền trên giấy của bà L.
Như vậy, trước những chứng cứ và tài liệu tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tranh chấp về hợp đồng vay tài sản. Buộc bà Lê Thị T. phải trả cho bà Phạm Thị Mỹ L. đúng số tiền đã vay là 210 triệu đồng.
THỦY TRINH