Vì “thượng đế”, hãy linh hoạt!

Thứ năm, ngày 12/04/2018

(BDO) Nhiều ngày qua, cộng đồng mạng đã bình luận sôi nổi xung quanh việc các nhà mạng yêu cầu chủ thuê bao nộp hình chân dung để cập nhật thông tin, góp phần quản lý cơ sở dữ liệu chính xác, hạn chế SIM rác, ngăn chặn lừa đảo và tội phạm theo tinh thần Nghị định 49 của Chính phủ. Nếu thuê bao không thực hiện cập nhật hình chân dung, thông tin cá nhân trước hạn thì nhà mạng sẽ khóa một chiều với thuê bao.

 Có nhiều ý kiến cho rằng, đã đăng ký chứng minh nhân dân khi mua SIM thì không cần thiết phải bổ sung hình chân dung; hình ảnh dễ bị thay đổi do ngày càng nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ; tại sao nhà mạng để đến gần phút chót mới nhắc thuê bao làm việc này trong khi Nghị định 49 có hiệu lực từ lâu; tại sao không kết hợp với cơ quan công an để cập nhật thông tin mà lại yêu cầu người dùng; dễ bị rò rỉ thông tin cá nhân hay là gây khó dễ cho người dùng… Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng bổ sung hình ảnh là cần thiết trong bối cảnh chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu quốc gia đầy đủ; nên cho phép sử dụng ảnh chứng minh nhân dân chính chủ để thay cho việc chụp ảnh chân dung…

Trước hết, cần phải hiểu rằng, Nghị định 49 có mục tiêu là xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác của người dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 120 triệu và được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các thuê bao di động hiện nay là thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 95%) và số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác chiếm một tỷ lệ rất lớn. Trong bối cảnh yêu cầu có được cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì Nghị định số 49/2017/NĐ- CP được ban hành chính là nhằm mục đích sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý thuê bao di động, khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao.

Vậy nên, nghị định trên ra đời là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến việc chụp ảnh chân dung thì nhiều người dùng lại rất ái ngại với những lý do đã nói trên, trong đó chủ yếu vẫn là sự lo lắng về bảo mật thông tin, sự phiền hà khi phải đến các đại lý của nhà mạng để chụp hình. Bổ sung thông tin là cần thiết nhưng quan trọng vẫn là cách làm linh hoạt của các nhà mạng trên cơ sở phải bảo đảm tuân thủ pháp luật để những “thượng đế” của mình không phải phiền lòng. Đó mới là thượng sách!

T.ĐỒNG

Từ khóa: