Vị thế đối ngoại Việt Nam
(BDO) Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra từ ngày 12 đến 13-12-2023, đã thành công rất tốt đẹp. Đây là lần thứ ba đồng chí Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc sau các chuyến thăm năm 2015 và 2017.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN
Chuyến thăm lần này có thể coi là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước phát triển đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, được thể hiện sinh động, đầy đủ, toàn diện trong Tuyên bố chung về nội dung chuyến thăm dài gần 8.200 từ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, được dư luận quốc tế quan tâm và đánh giá cao.
Dấu ấn nổi bật nhất trong Tuyên bố chung là đặt ra một định vị mới cho quan hệ hai nước - đó là việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Về bản chất, văn bản quan trọng này thể hiện sự tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác các lĩnh vực sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng sẽ được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Không chỉ dừng lại ở các cam kết, lãnh đạo hai nước đã nhất trí vạch ra các nội dung hành động cụ thể trên từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, đi liền đó là những phương hướng chỉ đạo cụ thể về quy trình thực hiện nhằm thúc đẩy có hiệu quả việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng và kết nối chiến lược đã ghi rõ một số kế hoạch và dự án tiêu biểu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)
Cùng với đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh việc đầu tư tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh, đặc biệt quan tâm về phát triển thương mại nông sản giữa hai nước, kể cả các loại trái cây và các loại thịt gia súc, gia cầm.
Có thể nói, xưa nay những khả năng, thế mạnh của cả hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tư cho lĩnh vực này cũng phù hợp với định hướng phát triển “Vành đai và con đường” trong 10 năm tới, mà Trung Quốc mới đây công bố - cần ưu tiên hợp tác trong những dự án “nhỏ mà đẹp” với hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường tốt; tập trung xóa đói giảm nghèo, tăng việc làm, cải thiện dân sinh, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu chính đáng của nông dân, nhân dân hai nước.
Thành công của chuyến thăm này, một lần nữa thể hiện sự tin cậy chính trị nâng tầm quan hệ hai Đảng, hai nước, mà cụm từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đã mang tính khái quát rất cao trong bước phát triển quan hệ ở thời kỳ mới, thể hiện sinh động nội hàm 4 tốt đã được nêu lên từ lâu: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, hợp tác tốt”.
Điều này cũng phản ánh sức chinh phục của đường lối ngoại giao “bản sắc cây tre Việt Nam”, luôn kiên định chủ trương độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, khẳng định chính sách quốc phòng “4 không”, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chính vì vậy, nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây 3 tháng đã sang thăm Việt Nam và ký kết nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Bên lề hàng loạt các hội nghị quốc tế cấp cao diễn ra trong vài tháng gần đây có sự hiện diện của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước, trong đó có nhiều cường quốc khi gặp lãnh đạo nước ta đều đánh giá cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, tỏ ý muốn sang thăm để nâng tầm quan hệ, đều xuất phát từ nhận thức “làm bạn với Việt Nam” sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
PGS - TS. NGUYỄN HỒNG VINH (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân)