Vì sức khỏe người tiêu dùng

Thứ hai, ngày 18/01/2016

(BDO) Trong những ngày qua, thông tin một số cửa hàng thuốc tây ở Hà Nội bán thuốc quá hạn sử dụng, thêm một lần nữa làm người tiêu dùng phẫn nộ. Đồng tiền đã làm mờ mắt người kinh doanh, khiến họ xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của người dân. Hành động này cũng là một tội ác!

Được biết, chủ của chuỗi cửa hàng thuốc tây không có chuyên môn về ngành y. Sau khi mua thuốc, thực phẩm chức năng hết hạn, quá đát với giá rẻ, bà ta đã chỉ đạo nhân viên dùng dao, hóa chất tẩy hạn sử dụng và sửa lại ngày sản xuất, hạn sử dụng mới.

Có thể nói, thuốc tây là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. Nếu chẳng may người bệnh sử dụng thuốc quá đát này thì tiền mất, tật mang.

Và không chỉ riêng thuốc tây, trên thị trường vẫn còn đó nhiều mặt hàng tiêu dùng không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tết Nguyên đán đang đến gần, người tiêu dùng càng lo hơn khi mà lương tâm, trách nhiệm của một số nhà sản xuất, kinh doanh đang bị “thiếu”.

Ngày tết, mặt hàng được tiêu thụ nhiều là bánh, mứt. Trong khi đó các loại bánh, mứt, nhất là loại không có nhãn mác lại không được che đậy luôn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn. Các mặt hàng khác cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ như heo sử dụng chất tạo nạc, gà thuốc tăng trưởng, tôm bơm tạp chất… những thực phẩm này hiện diện thường xuyên trong các bữa ăn, không chỉ riêng gì ngày tết. Rau củ quả, trái cây cũng là mối nguy đối với người tiêu dùng. Ngày tết, nhà nhà mua sắm trái cây không chỉ để chưng, mà còn để đãi khách. Trong khi đó thực tế có nhiều loại trái cây tẩm hóa chất để tươi lâu, ăn vào có thể bị ung thư.

Để người dân đón tết Bính Thân vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về bình ổn thị trường, giá cả trong dịp tết. Một trong những nội dung của chỉ thị là chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt khuyến mại, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Về phía Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, kiểm tra vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày tết đã cận kề. Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý từ nơi sản xuất đến khi ra thị trường. Với người tiêu dùng, hãy là người thông thái, nói không với thực phẩm bẩn. Thói quen sính hàng ngoại đôi khi là cái bẫy khi mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

VĂN HIỆP