Vì sao trẻ cần được ở một mình?

Thứ bảy, ngày 03/12/2022

(BDO) Ở một mình có thể giúp trẻ em phát triển, nhưng một số trẻ có thể đang không nhận được đủ điều đó bởi lịch trình học tập dày đặc.

Mọi người thường hay lo lắng trẻ mới biết đi ít được tiếp xúc xã hội, các em thiếu nhi không được đến trường, trẻ vị thành niên không có bạn... Dù lo, hiếm bậc cha mẹ nào nghĩ đến việc con ở một mình bao lâu là đủ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy cha mẹ không thoải mái với ý tưởng để một đứa trẻ đơn độc. Phần lớn cuộc đời trẻ em ngày nay, hầu như không có bất kỳ thời gian riêng tư hay rảnh rỗi nào. Học ở trường, học thêm bổ sung kiến thức, kỹ năng, năng khiếu... ngốn hết thời gian ăn, ngủ, nghỉ của trẻ. Sự tập trung vào việc làm giàu cho tuổi thơ đang khiến những đứa trẻ trở nên gày gò, căng thẳng, ít được ở một mình.

Có thời gian được một mình là cần thiết để trẻ trưởng thành khỏe mạnh

Điều gì sẽ xảy ra khi sự ồn ào, quấy nhiễu không bao giờ ngừng?

Theo các chuyên gia, tìm kiếm những khoảnh khắc đơn độc là bản năng của trẻ ngay từ khi chào đời. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng sẽ rời khỏi những tương tác, bỏ qua giao tiếp ánh mắt và khóc nếu ai đó cố gắng tiếp cận chúng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ ở độ tuổi tiểu học có xu hướng rút lui khỏi hoạt động chung sau khi đã nhận thức được, hoặc khi đã hoàn thành nhiệm vụ đọc, vẽ khi ở một mình. Có thể bạn từng thấy một thiếu niên đeo tai nghe hoặc đội mũ trùm đầu, rõ ràng lúc đó chúng chỉ muốn ở với chính mình.

Trẻ nhỏ thường sử dụng thời gian đơn độc để xử lý những lúc cảm xúc mạnh. Robert Coplan, một nhà tâm lý học tại Đại học Carleton, Mỹ, dẫn một ví dụ thường xuyên thấy: Những đứa trẻ mới biết đi bị cha mẹ la mắng sẽ lui về phòng.

"Nếu bạn có một camera ẩn trong đó sẽ thấy rằng chúng có thể đang diễn cảnh bị mắng với một con búp bê... Có con búp bê là trẻ, con búp bê là mẹ. Bằng cách tự mình suy nghĩ và luyện tập, chúng bắt đầu điều chỉnh tốt hơn 'những cảm xúc lớn' và học hỏi từ những sai lầm", Coplan nói.

Nghiên cứu sự cô độc của trẻ em Paola Corsano, Đại học Parma, Italy, nói rằng chơi một mình thậm chí có thể phát triển kỹ năng tập trung và lập kế hoạch. Khi trẻ lớn hơn, khả năng đơn độc và nội tâm của chúng bắt đầu tăng lên và tăng nhu cầu được yên tĩnh.

Có một lý do khiến thiếu niên trốn trong phòng riêng, là vì chúng đang ở trong giai đoạn khám phá bản thân và thời gian cô độc giúp chúng nhận ra mình khác biệt với bạn đồng trang lứa hoặc thành viên gia đình.

Virginia Thomas, giáo sư tâm lý học tại Đại học Middlebury, Mỹ, nói rằng thanh thiếu niên bắt đầu tập trung hơn vào những câu hỏi lớn: "Tôi là ai, tôi tin vào điều gì và cuộc đời tôi sẽ theo chiều hướng nào, nó có ý nghĩa gì?". Chúng cũng có xu hướng nhạy cảm với áp lực xã hội và sự đơn độc có thể giúp trẻ thở và nạp năng lượng.

Nghiên cứu cho thấy rằng thanh thiếu niên dành thời gian vừa phải cho bản thân dường như đạt điểm cao hơn và có tỷ lệ trầm cảm thấp hơn những người không. Và Thomas nói rằng khi chúng suy nghĩ về những câu hỏi nhận dạng mình, kết quả là "sự tự kết nối" có thể giúp trẻ trong suốt quãng đời còn lại. Thay vì dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, chúng có khả năng đưa ra quyết định phù hợp với giá trị của bản thân hơn.

Dù vậy, không có điều nào cho thấy trẻ phải thường xuyên ở một mình. Những đứa trẻ khác nhau yêu cầu thời gian ở một mình khác nhau. Chúng phải là người quyết định tỷ lệ đó chứ không phải người lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra khi trẻ tự tìm kiếm sự cô độc có tác động tích cực hơn nhiều so với việc bị áp đặt. Đáng tiếc, phần lớn tuổi thơ của trẻ không có quyền tự quyết này.

Cha mẹ ngày nay coi con trẻ dễ bị tổn thương và thế giới xung quanh trở nên nguy hiểm nên giám sát mọi lúc, để đảm bảo cả sự an toàn thể chất và thành công trong tương lai của chúnng. "Một điều mà sự cô độc có thể thực sự tốt là không có thứ tự thời gian. Bạn có cảm giác tự do khám phá sở thích của mình, khám phá thiên nhiên, khám phá thế giới", Corsano nói. Nhưng nhiều bậc cha mẹ, ngược lại, coi những khoảnh khắc rảnh rỗi trong lịch trình của con cái là" sự trống rỗng " cần được lấp đầy.

Khi những đứa trẻ ngày nay ở một mình, chúng thương dùng điện thoại hoặc máy tính. Mặc dù có nghiên cứu chỉ ra việc dùng mạng xã hội giúp trẻ bớt cô đơn. Nhưng các nền tảng này cũng cản trở lợi ích của sự cô độc.

Vì vậy, các bậc cha mẹ có nên lo lắng về sự đơn độc của con cái không? Nhiều trẻ em ngày nay có ít anh chị em, có một phòng ngủ riêng, dường như có nhiều thời gian ở một mình so trẻ ngày xưa. Nhưng xã hội của chúng ta đang đòi hỏi sự đơn độc có lẽ hơn bao giờ hết, do những lộ trình được lập sẵn khiến trẻ không cần phải lo lắng quá nhiều việc định vị bản thân.

Theo các chuyên gia, "kỹ năng sống cô độc" có thể được xây dựng dần dần, thậm chí chỉ trong 20 phút. Một đứa trẻ có thể vượt qua sự khó chịu đó và học cách xử lý cảm xúc của chúng. Và đối với những đứa trẻ tự nhiên thích sự cô độc, cha mẹ nên biết chúng không hẳn là người cô độc chống đối xã hội. Những đứa trẻ này luôn tồn tại.

Theo VNE