Vì sao thí sinh “xa lánh” môn lịch sử?

Thứ hai, ngày 09/06/2014

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2013-2014 đã kết thúc một cách suôn sẻ, an toàn. Một trong những điểm mới trong kỳ thi năm nay là trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) được tự chọn 2 môn thi ngoài 2 môn bắt buộc. Qua đó cho thấy, số TS trên toàn quốc đăng ký dự thi môn lịch sử lại quá ít. Tại Bình Dương, con số TS ít ỏi chọn thi môn lịch sử đã phần nào tạo nên những nốt trầm cho mùa thi tốt nghiệp THPT vừa qua…

Theo thống kê, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2013-2014 toàn tỉnh có 7.891 TS dự thi; trong đó, 683 TS đăng ký môn sử. Như vậy, trong các môn thi tự chọn thì môn lịch sử có số lượng TS đăng ký thấp nhất (683/7.891 TS). Tại điểm thi trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.TDM) gồm trường Hùng Vương, Petrus Ký, Việt Anh, chiều ngày 2-6 các TS bước vào môn thi tự chọn đầu tiên là vật lý hoặc lịch sử. Trong tổng số 115 TS chỉ có 9 TS chọn thi môn lịch sử. 9 TS nhưng lại được tổ chức tới 3 phòng thi, tức mỗi phòng chỉ có 3 TS.

Tại điểm thi trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) chiều ngày 2-6 có tất cả 345 TS. Giờ thi môn vật lý rộn ràng bao nhiêu thì giờ thi môn lịch sử “đìu hiu” bấy nhiêu. Dưới cơn mưa tầm tã, chỉ có 13 TS đến phòng thi để thực hiện bài thi cho môn tự chọn của mình. Đáng nói nhất là tại trường THPT Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), số TS chọn thi môn lịch sử chỉ có 5 em.

Là một trong số ít TS chọn thi môn lịch sử, em Võ Hoàng Khải, học sinh trường Trung tiểu học Đức Trí (TX. Thuận An), cho biết: “Em nghĩ môn lịch sử rất thú vị nếu chúng ta thật sự yêu thích và có phương pháp học phù hợp. Nếu chỉ học thuộc lòng thì rất dễ chán nhưng nếu biết liên kết các sự kiện và quan tâm đến tình hình chính trị - thời sự của đất nước thì học môn này rất dễ…”.

Cũng theo bạn Khải và nhiều TS thi môn lịch sử thì đề thi năm nay không quá khô khan, nhàm chán. Tình hình thời sự của đất nước - vấn đề biển đảo đã được đưa vào đề thi để TS vừa thể hiện tư duy chính trị vừa bày tỏ lòng yêu nước và quan điểm của thế hệ trẻ về vấn đề nóng hổi hiện nay. Bà Lê Thị Dung, một phụ huynh TX.Dĩ An, tâm sự: “Những ngày này, tivi nói nhiều về chuyện biển Đông, con tôi rất quan tâm. Cháu theo dõi, cập nhật mỗi ngày với sự quan tâm đặc biệt. Tôi nghĩ cháu đã làm bài thi tốt”.

Vấn đề đặt ra, tại sao TS lại “xa lánh” môn lịch sử, một trong những môn học phản ánh truyền thống, bề dày lịch sử của mỗi dân tộc? Rõ ràng, với con số không nhiều TS đăng ký thi môn lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung đặt ra những câu hỏi, băn khoăn về phương pháp dạy và học. Các trường học phải dạy làm sao để truyền tải kiến thức đến học sinh một cách mới mẻ, hấp dẫn. Học sinh phải có phương pháp học như thế nào để những môn học như lịch sử trở nên thú vị, lôi cuốn. Có lẽ, đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục cần thay đổi phương thức giảng dạy sao cho phù hợp với thực tiễn thay vì cách dạy học kiểu truyền thống.

TÂM TRANG