Vì sao phải áp dụng hệ số K?

Thứ ba, ngày 13/09/2011

Vì sao lại áp dụng hệ số K, hệ số K là gì, áp dụng tính hệ số K như thế nào... Đó là những vấn đề quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức khi có thông tin về việc áp dụng hệ số K.

Hệ số K giảm thay đổi đột biến cho người sử dụng đất

Hệ số điều chỉnh giá đất (K) là tỷ lệ giữa giá đất chuyển nhượng thực thế mang tính phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm xác định so với giá đất do UBND tỉnh quy định. Theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, quan điểm để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất (K) là nhằm điều chỉnh giá đất sao cho giá đất quy định tại bảng giá các loại đất do UBND tỉnh quy định và công bố hàng năm (đã nhân với hệ số điều chỉnh (Đ) nếu là đất ở hoặc đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp) nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (K) chỉ bằng hoặc thấp hơn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Mục đích của áp dụng hệ số K nhằm giảm bớt sự thay đổi đột biến trong thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; Phù hợp với tình hình kinh doanh bất động sản trầm lắng kéo dài từ năm 2008 đến nay và làm cơ sở rút kinh nghiệm để xây dựng bảng giá các loại đất năm 2012.

 Áp dụng hệ số K phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, rút kinh nghiệm cho việc ban hành bảng giá đất năm 2012

Việc đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất (K) theo từng vị trí, tuyến đường, khu vực sẽ phù hợp với tình hình của từng huyện, thị và dễ dàng điều chỉnh nếu có sự thay đổi giá nội bộ, nhưng đòi hỏi thời gian chuẩn bị kéo dài; cần phải khảo sát kỹ và sự đóng góp ý kiến của các sở, ngành và các huyện, thị xã. Tuy nhiên, sự hạn chế về thời gian chuẩn bị, khảo sát; thời gian áp dụng ngắn (đến cuối năm 2011, cần phải xem xét điều chỉnh khi ban hành bảng giá các loại đất năm 2012). Do đó, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất theo từng đơn vị hành chính và từng loại đất là hợp lý hơn nên mới có việc ra đời hệ số K.

Phạm vi và đối tượng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) được liên ngành tài nguyên và môi trường, tài chính và thuế trình thì: xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; Xác định đơn giá cho thuê đất mới của các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân có giá trị dưới 10 tỷ đồng; Xác định lại đơn giá thuê đất của các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân khi hết thời kỳ ổn định.

Giá Nhà nước và thị trường chênh nhau quá lớn

Theo kết quả điều tra giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong 3 năm 2008, 2009, 2010 được Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh cho thấy: Đất sản xuất nông nghiệp đối với các thị xã Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một thì bảng giá đất quy định hiện nay chỉ bằng 20% giá đất sản xuất nông nghiệp chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm điều tra. Đối với huyện Tân Uyên và huyện Bến Cát thì bảng giá đất quy định hiện nay chỉ bằng 30 - 75% giá đất sản xuất nông nghiệp chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm điều tra. Đối với huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng bảng giá đất bằng 85 - 95% giá đất sản xuất nông nghiệp chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm điều tra.

Về đất ở tại đô thị đối với các thị xã Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một bảng giá hiện nay chỉ bằng 50 - 70% so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Đối với các huyện Tân Uyên và huyện Bến Cát bảng giá chỉ bằng 50 - 70% so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Đối với các huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng bảng giá đất ở  tại đô thị quy định hiện nay bằng 75 - 90% giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Về đất ở tại nông thôn đối với TX.TDM, bảng giá đất hiện nay tại một số xã chỉ bằng 65 - 70% so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Đối với các TX.Thuận An, TX.Dĩ An chỉ bằng 45 - 55% so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Các huyện Tân Uyên và huyện Bến Cát chỉ bằng 45 - 60% so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Các huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng bằng 80 - 90% với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, việc áp dụng hệ số K phải theo phương án có lợi nhất cho dân, nhà đầu tư và cả nhà nước. Phương án được chọn là thời gian xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất nhanh; Không tốn kém ngân sách Nhà nước để thuê tư vấn thẩm định giá khi phải xác định đơn giá tính thu tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.

K.TÂN

Cách xác định giá các loại đất theo hệ số K

Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định bằng cách lấy giá đất quy định tại bảng giá các loại đất do UBND tỉnh quy định và công bố hàng năm (đã nhân với hệ số điều chỉnh (Đ) nếu là đất ở và đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp) nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất (K) được quy định như trên. Cụ thể như, đối với đất trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản thì: Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất = Giá đất do UBND tỉnh quy định và công bố hàng năm x hệ số điều chỉnh (K). Còn đối với đất ở và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị và tại nông thôn thì: Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất = Giá đất do UBND tỉnh quy định và công bố hàng năm x hệ số điều chỉnh các trục đường giao thông (Đ) x Hệ số điều chỉnh (K).

Hệ số điều chỉnh giá đất (K) theo dự thảo đối với TX.TDM thì cao nhất 3.00, thấp nhất 1.20 (trừ các đường tạo lực, nội bộ khu liên hợp, khu đô thị, dân cư). Đối với TX.Thuận An và TX.Dĩ An cao nhất 3.00, thấp nhất 1.30. Đối với huyện Tân Uyên và huyện Bến Cát thấp nhất 1.00, cao nhất 1.30. Đối với huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo cao nhất 1.10 và thấp nhất 1.00.