Vì sao ông Obama không vội vã tấn công Syria?
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron (trái) bên lề hội nghị.
Trong khi đó, ông Obama nhấn mạnh rằng hành động quân sự của Mỹ sẽ chỉ "giới hạn và cân xứng" - các cuộc tấn công là nhằm trừng phạt việc Syria sử dụng vũ khí hóa học chứ không phải với ý nghĩa rằng quân đội Mỹ đứng đằng sau phiến quân để đánh bại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỹ không vội vã tham chiến, mà đang lập kế hoạch cho một cuộc chiến có lịch trình chính xác và phù hợp. Washington mong muốn tấn công Syria nhanh chóng và sau đó rút lui.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh rằng bất kỳ sự can thiệp nào cũng "sẽ có giới hạn", một cam kết rõ ràng là khó giữ vì "kẻ thù cũng có khả năng quyết định". Các bên tham chiến có thể quyết định cách thức bắt đầu một cuộc chiến, nhưng họ không thể kiểm soát mọi việc xảy ra sau đó.
Ông Obama có thể mong muốn một sự can thiệp ngắn và kiềm chế, gửi một thông điệp yêu cầu ông Assad không được sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng ông Assad có thể chọn cách phớt lờ điều này và lại thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Khi đó, ông Obama sẽ buộc phải cân nhắc phản ứng của Mỹ một lần nữa. Ngoài ra, Syria hoặc các đồng minh của họ tại Iran và nhóm Hezbollah có thể chọn việc trả đũa, nhằm vào các mục tiêu hoặc đồng minh của Mỹ trong khu vực, trong đó có Israel. Điều đó cũng sẽ buộc Mỹ phải xem xét việc tiếp tục can thiệp.
Hơn nữa, sự can thiệp hạn chế này có thể không ngăn chặn được tình trạng leo thang bạo lực hiện nay. Các cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém tại Iraq và Afghanistan đang làm suy yếu ý chí của các nước phương Tây trong việc can thiệp quân sự tại Syria.
Mặc dù ông Obama đang tìm cách trấn an người Mỹ rằng Syria "không phải là Iraq và Afghanistan", nhưng Washington cũng sợ bị dính líu sâu hơn tại Syria do thiên hướng ngày càng Hồi giáo cực đoan của những phiến quân đang chiến đấu chống lại ông Assad. Các chiến lược gia của Nhà Trắng đang quan ngại về bản chất của bất kỳ chính quyền hậu Assad nào tại Syria, nhất là khi Mỹ đang bị coi là đã liên minh với chính quyền đó. Đó là lý do khiến Nhà Trắng chưa cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria, mặc dù đã cam kết điều này từ tháng Sáu.
Một số nhà phân tích cho rằng việc phương Tây từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến Syria đang khiến cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo, thường được các nhà tài trợ giàu có tại vùng Vịnh cung cấp tiền, lớn mạnh.
Theo Giáo sư trường Đại học Georgetown Daniel Byman, phản ứng thích hợp hiện nay là sự can dự lớn hơn với phiến quân Syria bởi vì các cuộc không kích giới hạn có nguy cơ tạo ra ấn tượng rằng Mỹ đang cam kết ủng hộ phiến quân, làm tăng hy vọng "ảo" của phiến quân và cho phép ông Assad tuyên bố thắng cả Mỹ.
Còn ông Robert Satloff, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông, cho rằng việc lật đổ Assad sẽ đòi hỏi một sự can thiệp quân sự mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những người chỉ trích cách tiếp cận "hung hăng" như vậy đang quan ngại rằng hành động đó sẽ buộc Mỹ phải tham gia tiến trình xây dựng đất nước Syria một khi ông Assad ra đi.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn thận trọng. Ngày 3/9, ông Obama đã đề cập đến một chiến lược tăng cường ủng hộ phe đối lập, nhưng không cung cấp chi tiết.
Mỹ bị thúc ép phải hành động do chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học. Và mục tiêu cuối cùng của hành động can thiệp quân sự của Mỹ sẽ là ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.
Theo TTXVN