Vì sao lượng phát thải CO2 của Việt Nam cao hơn nhiều nước phát triển?
(BDO)
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
“Hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đồng thời là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính (CO2) cao hơn các nước đang phát triển trên thế giới. Nguyên nhân là, công nghệ sản xuất của chúng ta còn lạc hậu, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, nên việc tiêu tốn năng lượng cao hơn.”
Nhận định trên vừa được ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đưa ra tại hội thảo "Công bố những thành tựu của IPCC và các hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu," do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Theo ông Tấn, việc gia tăng lượng phát thải khí nhà kính trong thời gian qua là do tác động của hoạt động công nghiệp tới môi trường, chủ yếu đến từ việc tiêu thụ năng lượng, tiêu tốn sản phẩm ngày càng cao. Trong khi, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn lạc hậu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Có chung nhận định, giáo sư-tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cũng cho rằng, cường độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam thời gian qua lớn hơn trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nói cường độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất lớn là không đúng.
“Tôi có thể đưa ra con số đã được thống kê năm 2011, cường độ phát thải khí nhà kính của Trung Quốc là 0,86; Singapore 0,78; Thái Lan 0,495; Indonesia 0,43; Malaysia 0,48; Việt Nam 0,4255. Như vậy, lượng phát thải của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực,” ông Thục nói.
Nhìn nhận tức góc độ quốc tế, ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Vì thế, để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên ở mức dưới 2 độ C, Việt Nam và các quốc gia cần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong các thập kỷ tới.
Góp thêm tiếng nói, ông Hans-Otto, đồng Trưởng nhóm công tác II của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu và các nỗ lực thích ứng, cho biết, phát thải cao kéo dài sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam - quốc gia dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Theo ông Hans-Otto, biến đổi khí hậu là mối đe dọa cho phát triển bền vững, tuy nhiên cũng có rất nhiều cơ hội để liên kết việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu với các mục tiêu xã hội khác. Do đó, Việt Nam cần phát huy nỗ lực cần thiết để tiếp tục thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính./.
Theo TTXVN