Vi phạm hành lang an toàn tuyến nước thô Thủ Đức: Đe dọa việc bảo đảm an ninh nguồn nước thô

Thứ hai, ngày 25/05/2020

(BDO) Hiện nay, trên hành lang an toàn tuyến ống nước thô (HLATTNT) Thủ Đức, đoạn qua TP.Dĩ An tồn tại nhiều công trình xây dựng lấn chiếm. Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ gây sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân.


Công trình nhà tạm trên HLATTNT (khoảng trụ biên 86-90) thuộc khu phố Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp (ảnh chụp ngày 19-5)

Đe dọa an ninh nguồn nước thô

Để có nguồn nước thô cho nhà máy sản xuất nước sạch, UBND TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư, xây dựng trạm bơm Hóa An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng tuyến ống nước D1800mm và D2400mm để lấy nước từ sông Đồng Nai về nhà máy nước Thủ Đức xử lý thành nước sạch, rồi cung cấp cho người dân. Để bảo đảm an toàn cho các tuyến ống cấp nước trên, cơ quan chức năng đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo ra HLATTNT với độ rộng 30m. Dọc theo HLATTNT này, cơ quan chức năng đã cắm các trụ cột mốc đánh dấu “tuyến ống cấp nước”. Đồng thời, nhà máy nước Thủ Đức cũng tổ chức đội tuần tra và phối hợp với chính quyền địa phương để bảo an toàn cho tuyến ống cấp nước thô này .

Tuy nhiên theo ghi nhận của P.V, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trên HLATTNT này diễn biến rất phức tạp, đe dọa an ninh nguồn nước thô cho nhà máy nước Thủ Đức. Cụ thể tại khoảng trụ biên 86-90 (khu phố Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp), một số hộ dân lấn chiếm HLATTNT để xây dựng thành các ki- ốt để ở và kinh doanh. Cũng trên HLATTNT này, P.V ghi nhận có hàng trăm hộ dân ở khu phố Nội Hóa 2 (phường Bình An); Đông A và Tân Hòa (phường Đông Hòa) lấn chiếm HLATTNT để dựng nhà tạm, mái che hoặc rào chắn trồng cây với diện tích lấn chiếm từ vài mét vuông đến hàng trăm mét vuông. Điển hình như trường hợp ông Phan Thanh X. (ngụ khu phố Đông A, phường Đông Hòa) dựng công trình khung sắt, cây, mái tôn trên HLATTNT với diện tích 137,8m2 để mở quán cà phê. Ngoài ông X., nhiều hộ dân khác còn dựng nhà tạm, kết cấu khung sắt, mái tôn trên HLATTNT để ở.

Theo thống kê của UBND phường Đông Hòa, hiện có 116 trường hợp lấn chiếm HLATTNT, trong đó có trường hợp lấn chiếm HLATTNT nhiều nhất với diện tích hơn 500m2. Riêng đối với một số đoạn HLATTNT vắng dân cư thì tồn tại nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.

Theo cơ quan chức năng, những hành vi lấn chiếm HLATTNT như trên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của đường ống. Nếu xảy ra sự cố xì bể đường ống ở những khu vực bị lấn chiếm thì việc sửa chữa, khắc phục sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cần quan tâm chấn chỉnh

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, UBND TP.Dĩ An đã có Văn bản số 710/ UBND-ĐT ngày 7-4-2020 về việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm HLATTNT. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An yêu cầu Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố phối hợp với UBND các phường Tân Đông Hiệp, Bình An và Đông Hòa cùng các cơ quan liên quan rà soát, xác định cột mốc bảo vệ HLATTNT; đồng thời tổ chức công khai, thông báo rộng rãi cho nhân dân sống dọc theo HLATTNT biết để không xây dựng công trình vi phạm. UBND các phường tổ chức thống kê, lập danh sách và vận động người dân ký cam kết tự tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT trong thời gian 45 ngày. Sau khoảng thời gian trên, nếu hộ dân nào không chấp hành thì UBND các phường tham mưu UBND thành phố cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định. Sau khi lập lại trật tự HLATTNT, Phòng Quản lý đô thị TP.Dĩ An tham mưu cho UBND thành phố bàn giao và yêu cầu Tổng Công ty nước Sài Gòn có biện pháp quản lý, phòng ngừa tái lấn chiếm; đồng thời UBND thành phố sẽ không tiếp tục thực hiện công tác này nếu tình trạng trên tái diễn.

Cần bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị

Theo người dân địa phương, trước đây khu vực HLATTNT nhếch nhác, cỏ mọc um tùm, nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Thấy vậy, nhiều hộ dân có nhà hoặc đất dọc theo HLATTNT đã dọn dẹp vệ sinh, rào chắn làm không gian sinh hoạt hoặc trồng cây tạo cảnh quan xanh. Cũng như chính quyền địa phương, người dân muốn sau khi tháo dỡ công trình trên HLATTNT thì đơn vị quản lý phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Hiện nay, UBND các phường đã lập danh sách các trường hợp lấn chiếm HLATTNT và đang tiến hành tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm. Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, cho biết: “Các công trình lấn chiếm HLATTNT, đoạn qua phường đã tồn tại từ rất lâu. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị quản lý đường ống nước thô. Từ sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, UBND phường đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn cùng các lực lượng chức năng khác tổ chức rà soát, kiểm đếm các trường hợp vi phạm HLATTNT. Sau đó, UBND phường ra thông báo yêu cầu người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, nếu trường hợp nào không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định” .

Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết: “Trên địa bàn phường có tuyến ống nước D1800mm và D2400mm đi qua hai khu phố Tân An và Đông Tác. UBND phường đã tổ chức rà soát, phát hiện có 71 trường hợp lấn chiếm HLATTNT. Đây là những trường hợp lấn chiếm xảy ra cách đây khá lâu, không còn thời hiệu xử phạt hành chính. Trong 2 năm 2018 và 2019, UBND phường đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm HLATTNT và lấy ý kiến về việc xử lý công trình vi phạm HLATTNT xảy ra trước đây. Tại cuộc họp, đa số người dân đều thống nhất và cam kết sẵn sàng tháo dỡ công trình trên HLATTNT, trả lại mặt bằng cho đơn vị quản lý. Từ khi tổ chức họp dân đến nay, tình trạng lấn chiếm HLATTNT đã giảm đáng kể. Đối với những trường hợp vi phạm thì UBND phường phối hợp với đơn vị quản lý lập biên bản xử lý ngay từ đầu” .

Theo bà Tuyết, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với đơn vị quản lý phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm HLATTNT. UBND phường hiện đang tổ chức cho các hộ dân có công trình trên HLATTNT viết cam kết tháo dỡ công trình vi phạm trong thời hạn 45 ngày. “Khi lập lại trật tự HLATTNT, đơn vị quản lý cần phải có biện bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như không để tái diễn tình trạng tái lấn chiếm”, bà Tuyết đề nghị.

Theo Điều 43, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10- 10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở và công sở đã chỉ ra các hành vi vi phạm HLATTNT và các mức xử phạt hành chính. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xả rác, nước thải, đổ đất đá, vật liệu xây dựng trong HLATTNT hoặc đường ống truyền tải nước sạch. Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi đào bới hoặc lấy đất đá trong HLATTNT hoặc đường ống truyền tải nước sạch; lấn chiếm HLATTNT, đường ống truyền nước sạch. Phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành tự ý đục tuyến ống nước thô hoặc đường ống truyền tải nước sạch.

Ngoài phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

 

NGUYỄN HẬU