Vì một môi trường không khói thuốc
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông báo con số tử vong hàng năm trên thế giới đã lên đến 7 triệu người do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, sử dụng thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Bởi, thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc, là căn nguyên gây nhiều bệnh lý nguy hiểm ở con người. Đồng thời, đó cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh tật và đói nghèo của các nước.
(BDO)
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá và hút thuốc lá ở nơi công cộng đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc. Bên cạnh đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ hiện nay, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58% và thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 75% giá bán lẻ. Cùng với đó là việc giám sát và xử phạt chưa nghiêm đang gây ra những khó khăn cho việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở nước ta.
Luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có và các quy định về xử phạt thuốc lá ở nơi công cộng đã có hiệu lực khá lâu. Tuy nhiên, việc hút thuốc lá ở nơi công cộng ở nước ta vẫn diễn ra bình thường. Có ý kiến cho rằng, chưa hẳn là do người dân coi thường về quy định của pháp luật mà do việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng chưa được triển khai bài bản, đồng bộ. Theo quy định về xử phạt liên quan đến hút thuốc lá do các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ Trung ương tới địa phương; Quản lý thị trường; Công an và UBND các cấp, trong đó, Thanh tra y tế là cơ quan chủ đạo. Tuy nhiên, trên thực tế việc thanh, kiểm tra vấn đề hút thuốc lá nơi công cộng như “muối bỏ biển” do lực lượng này mỏng, thiếu trang thiết bị cũng như kinh phí để tuần tra. Trong khi đó, “nơi công cộng” thì vô vàn, từ bến tàu, nhà ga, công sở đến các điểm vui chơi giải trí, quán cà phê… Đó là chưa nói đến phong tục, tập quán, thói quen liên quan đến hút thuốc đã tồn tại từ lâu trong người dân. Hơn nữa, việc xử phạt này cũng không thể giữ giấy tờ tùy thân hay tang vật, phương tiện gì cả nên dường như không có mấy chuyển biến kể từ khi có quy định đến nay.
Vì một môi trường không khói thuốc, nên chăng bên cạnh tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền thì phải sửa đổi một số quy định về xử phạt cho hợp lý. Đặc biệt, cần nâng mức thuế thuốc lá ngang mức bình quân của thế giới để hạn chế khói thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng.
T.ĐỒNG