Vì một “Bình Dương xanh”

Thứ năm, ngày 07/06/2012

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định (14%/năm), đã góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Thế nhưng áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên. Chính vì thế, Bình Dương đang hướng tới xây dựng nền Kinh tế Xanh thân thiện với môi trường và phát triển bền vững... 

Tuổi trẻ Bình Dương đi bộ đồng hành vì môi trường

Đi từ tiêu chí Kinh tế Xanh

Không phải bây giờ mới bắt tay vào thực hiện nền Kinh tế Xanh mà từ nhiều năm nay, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường (BVMT) để hướng tới xây dựng “Bình Dương xanh”. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đề ra các biện pháp BVMT để tham gia chương trình sản xuất xanh sạch. Trao đổi kinh nghiệm này, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Trưởng phòng Kinh tế kỹ thuật Becamex IDC cho biết: “Ngay từ khi thành lập các khu công nghiệp và khu dân cư, môi trường xanh sạch là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình hoạt động của Becamex IDC. Vì vậy, việc xây dựng để có một hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường đã được Becamex IDC triển khai xuyên suốt. Và đến nay, 18/22 khu công nghiệp của Becamex IDC đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý trên 67.000m3/ngày đêm với tỷ lệ doanh nghiệp đấu nối đạt 96%.

Dù chưa thống kê hết được về thực hiện chương trình sản xuất sạch xanh nhưng cùng với lợi ích về kinh tế, hoạt động sản xuất sạch xanh của các doanh nghiệp ít nhiều đã mang lại lợi ích về môi trường. Ngoài các lợi ích có thể lượng hóa, các doanh nghiệp còn thu được những lợi ích khác như chất lượng sản phẩm tốt hơn, thái độ làm việc của công nhân tốt hơn, ý thức tiết kiệm, ý thức trách nhiệm với môi trường cộng đồng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được giá trị, lợi ích của mô hình Kinh tế Xanh nên đã chủ động đầu tư kinh phí để thay thế thiết bị, máy móc lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu bằng các máy móc thiết bị hiện đại, ít tiêu hao nhiên liệu. 

Công ty TNHH MTV Sơn Petrolimex tham gia triển lãm “Asia Pacific Coatings Show 2011” tại Singapore

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex chuyên sản xuất, kinh doanh các loại sơn, véc-ni và bột trét ma-tít là một trong những doanh nghiệp điển hình sản xuất theo quy trình công nghệ xanh, hiện đại được chuyển giao từ châu Âu. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty, cho biết để sản xuất sạch xanh, ngay từ đầu thành lập, nhà máy sơn Petrolimex đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải nhằm bảo đảm chất lượng nước thải đầu ra. Trong khu vực sản xuất, nhà máy cho lắp đặt các quạt hút, chụp hút cục bộ tại các nguồn phát sinh từ các công đoạn sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng không khí. Nhờ vậy, môi trường làm việc và không gian sống của công ty luôn trong lành, thoáng mát.  

Các bạn sinh viên tái chế nhiều sản phẩm đa dạng từ chất thải bỏ đi

Hay Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (P&G) luôn cam kết và thực hiện “Chương trình phát triển bền vững” bằng các biện pháp BVMT như giảm năng lượng và nước tiêu thụ, giảm lượng chất thải phát sinh, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trên từng đơn vị sản phẩm được sản xuất. Ông Lưu Hữu Phước, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc Đối ngoại công ty, cho biết P&G không ngừng cải tiến và phát triển những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường như Downy một lần xả hay tã giấy Pamper. Đạt được yêu cầu này, thời gian qua, P&G đã chú trọng đầu tư, lắp đặt dây chuyền có công nghệ hiện đại, tốc độ cao, sử dụng ít năng lượng; xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt, hệ thống xử lý bụi, quản lý chất rắn tuân thủ quy định của Nhà nước đối với việc quản lý môi trường. Ngoài ra, P&G còn thường xuyên huấn luyện cho nhân viên nhận thức và hành động BVMT như tham gia giờ trái đất, trồng cây tạo bóng mát... Ông Phước cho biết thêm sắp tới, P&G sẽ hướng đến mục tiêu “giảm 40% khí thải CO2 vào năm 2012, tiết kiệm năng lượng và nước sử dụng trên một đơn vị sản phẩm”.

Nhiều hoạt động thiết thực vì một môi trường xanh

Ngày hội Bình Dương xanh là một trong những sự kiện nổi bật nhất hướng tới nền Kinh tế Xanh nói chung và xây dựng “Bình Dương xanh” nói riêng. Rất nhiều ý tưởng và hành động vì môi trường đã đem đến cho ngày hội thiết thực, ý nghĩa hơn. Đa phần người dân đến tham quan đều phấn khởi khi đến xem 8 gian hàng mở cuộc thi vẽ tranh cổ động, làm sản phẩm tái chế, trang trí các hình ảnh cổ động về BVMT trên túi vải thân thiện với môi trường, nhằm khuyến khích hành vi hạn chế sử dụng túi nylon. Bạn Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm nhất trường Đại học Thủ Dầu Một cùng các bạn xúm xít vẽ cây xanh, quả đất, với lời nhắn: “Chúng ta hãy sử dụng những chiếc túi này thay túi nylon và cùng chung tay xây dựng môi trường”. Một khách tham quan nhà ở chợ Thủ Dầu Một đến để đổi rác thải lấy quà tặng cũng “mong sẽ có nhiều hơn ngày hội như thế này, để mọi người đều nhận thức và hành động tốt hơn vì một môi trường xanh”.

Không dừng lại ở đó, ban ngành đoàn thể ở Bình Dương còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bằng những hành động nhỏ nhất. Cụ thể là thời gian qua, với tinh thần xung kích tình nguyện, tuổi trẻ Bình Dương đã phát động thực hiện 1.000 chữ ký chung tay hành động vì môi trường, trồng cây tạo bóng mát; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình “Đổi chất thải lấy quà tặng” nhằm hướng cộng đồng hạn chế sử dụng túi nylon và chuyển sang dùng túi sử dụng nhiều lần và thường xuyên ra quân ngày thứ bảy tình nguyện, xóa bảng quảng cáo trên tường rào, cột đèn và ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp. Hội Nông dân tỉnh cũng đã phát động hội viên tham gia BVMT và thành lập 73 câu lạc bộ nhà nông. Các câu lạc bộ này đẩy nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời nâng tỷ lệ hộ dân có nhà xí hợp vệ sinh lên 82%, chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải lên 52%...

Hiệu quả từ nhân rộng những mô hình như thế sẽ góp phần nâng cao nhận thức về những tác động của sản xuất, kinh doanh đến môi trường và ý thức, vai trò của người dân trong cộng đồng cùng chung sức vì một “Bình Dương xanh”.

MAI HUY