Vì một Bình Dương xanh
(BDO) Bình Dương xác định tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng hệ thống môi trường bền vững theo lộ trình Net zero của Chính phủ; xây dựng Bình Dương thật sự trở thành một đô thị xanh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình và là nơi đáng sống.
Phát triển cây xanh hướng đến phát triển bền vững
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng của tỉnh Bình Dương đã từng bước được nâng cấp, mở rộng; hàng loạt các khu dân cư, khu đô thị mới, đường giao thông, các công trình phúc lợi... đã và đang hình thành, làm thay đổi bộ mặt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, trong đó có cây xanh. Nhiều tuyến đường trục chính đô thị, đường đô thị, đường liên khu vực được đầu tư đồng bộ kết hợp trồng mới hoặc thay thế cây xanh, các dự án chỉnh trang đô thị trong đó có hạng mục cải tạo chỉnh trang cây xanh.
Bình Dương vận động người dân trồng cây xanh để cải thiện môi trường, tạo vẻ mỹ quan cho toàn tỉnh
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ gia tăng dân số ngày càng nhanh dẫn đến tốc độ đô thị hóa của tỉnh cao, trong khi đó việc đầu tư xây dựng mới công viên cây xanh có quy mô lớn trong những năm qua vẫn còn hạn chế. Cây xanh công viên và đường phố chủ yếu tập trung đầu tư tại các khu vực trung tâm của TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên; các khu vực khác đa phần tập trung ở khu vực trung tâm và các tuyến đường chính hoặc khu vực trung tâm hành chính.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để giải quyết những vấn đề tồn tại của việc phát triển cây xanh đô thị, đồng thời đề xuất những giải pháp thực thi nhằm xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh và vì sức khoẻ cộng đồng, tỉnh đã xây dựng “Đề án cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đề án không chỉ góp phần làm tăng diện tích cây xanh, nâng tỷ lệ che phủ rừng mà còn có ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ môi trường tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Bình Dương xác định tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng hệ thống môi trường bền vững theo lộ trình Net zero của Chính phủ. Việc phát triển cây xanh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Tỉnh khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
“Bình Dương chú trọng phát huy hiệu quả các công viên cây xanh đô thị, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động của người dân. Thực hiện đề án phát triển cây xanh hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết.
Trong năm 2024, Bình Dương đã tích cực tuyên truyền, phát động phong trào "Vì một Bình Dương xanh", Chương trình “Ngày thứ Bảy văn minh”, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, cần huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư, duy trì công viên cây xanh theo quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Mỗi người dân trồng ít nhất 1 cây xanh
Nhằm tạo sức lan tỏa trong việc trồng cây, hướng tới mục tiêu đưa Bình Dương trở thành một thành phố xanh, góp phần nâng cao chỉ tiêu, chất lượng cây xanh, từng bước hoàn thành Đề án cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã phát động phong trào "Vì một Bình Dương xanh".
Phong trào "Vì một Bình Dương xanh" được tỉnh triển khai nhằm kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024) và duy trì cho các năm tiếp theo với tinh thần kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng cùng chung tay phủ xanh trên địa bàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, từng khu phố, xóm, ấp và mọi nhà. Phong trào góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc chung sức trồng cây xanh vì sức khỏe chung của cộng đồng, cải thiện môi trường sống, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, vì một môi trường sản xuất tiến tới "Net Zero" thông qua những hành động thiết thực để Bình Dương thật sự trở thành một đô thị xanh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình và là nơi đáng sống.
Cây xanh được phủ khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng đô thị xanh
Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới tối thiểu 30 ha cây xanh nhằm hoàn thành chỉ tiêu theo Đề án cây xanh của tỉnh đã đề ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong "Đề án cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương".
Trong năm 2024, Bình Dương đã tích cực tuyên truyền, phát động phong trào "Vì một Bình Dương xanh", Chương trình “Ngày thứ Bảy văn minh” để các tổ chức, cá nhân có nguồn quỹ đất chưa sử dụng tổ chức trồng cây trung mộc, đại mộc trong phạm vi do mình quản lý nhằm nâng cao tỷ lệ cây xanh bao phủ khắp các khu vực; mỗi đơn vị chọn ít nhất 1 khu vực để trồng và chăm sóc cây xanh. Tỉnh phát động đạt mục tiêu "mỗi người dân sẽ trồng ít nhất 1 cây xanh trung mộc, đại mộc", góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân chung tay "Vì một Bình Dương xanh".
Đề án cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh đề ra kế hoạch đến năm 2025, Bình Dương đạt chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân đầu người, tương ứng cho các đô thị Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một từ 6 -8m2/người; đô thị Bến Cát, đô thị Tân Uyên và các đô thị còn lại là ≥ 8m2/người. Các đô thị đều có không gian công cộng tương ứng của từng đô thị, bao gồm công viên, vườn hoa, quảng trường, không gian sinh hoạt cộng đồng, khu vực đi bộ. |
Phương Lê - Hoàng Phong