Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sự phát triển của trẻ

Thứ hai, ngày 04/06/2012

Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (VCDD) ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, cản trở đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, với trẻ em, việc cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển đóng một vai trò rất quan trọng. Phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi với bác sĩ Phạm Thị Bích Hồng, Trưởng khoa Dinh dưỡng Sức khỏe cộng đồng - Trung tâm Y tế Dự phòng Sở Y tế tỉnh về vấn đề này.

- Thiếu VCDD sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, thưa bác sĩ?

- VCDD bao gồm các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, C. Các vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, K. Các chất khoáng như sắt, kẽm, i-ốt, đồng, mangan, magiê. Tuy các vi chất này không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Trong đó, vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà trẻ rất dễ bị thiếu. Ngay cả trẻ không bị suy dinh dưỡng vẫn có thể thiếu do cách nuôi dưỡng chưa hợp lý. Sự thiếu hụt VCDD ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, cản trở đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, với trẻ em, việc cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển đóng một vai trò rất quan trọng.

Vitamin A cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, giúp làn da mềm mại và khỏe mạnh. Thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, nặng hơn là khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa. Thiếu vitamin A còn làm cho trẻ bị chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da.

- Xin bác sĩ cho biết tại sao trẻ em dễ bị thiếu vitamin A?

- Trẻ không được bú sữa mẹ sớm ngay sau sinh vì sữa mẹ đặc biệt là sữa non là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giàu vitamin A. Vitamin A không được bổ sung đầy đủ qua bữa ăn hàng ngày vì bữa ăn quá đơn giản, trẻ không biết ăn rau củ, trái cây do gia đình không tập cho bé ăn ngay từ nhỏ. Hoặc trong bữa ăn, gia đình ít cho bé ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ. Gia đình cần chú ý, trong mỗi bữa ăn của trẻ nên bổ sung thêm từ 1 - 2 muỗng cà phê dầu hoặc mỡ để giúp tiêu hóa và tăng hấp thu vitamin A. Trẻ em suy dinh dưỡng và thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm đường hô hấp, viêm da, sởi, tiêu chảy cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A. Bà mẹ đang cho con bú kèm theo chế độ ăn uống kiêng khem, không đủ chất cũng có nhiều nguy cơ thiếu vitamin A trong sữa mẹ.

- Việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ như thế nào, thưa bác sĩ?

- Để trẻ không thiếu VCDD, cách duy nhất là phụ huynh cần phải cung cấp từ thức ăn cho bé. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tự nhiên. Các thức ăn như tiết bò, tiết heo, gan động vật, bầu dục, thịt bồ câu, đậu tương, đậu trắng, mè... là những thực phẩm rất giàu chất sắt. Còn những thức ăn có nhiều vitamin A lại tập trung ở các loại rau lá có màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng... Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng nên bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ từ nhiều nguồn khác nhau.

- Trẻ ăn uống đầy đủ thì có cần phải bổ sung thêm vitamin A mỗi 6 tháng không, thưa bác sĩ?

- Khi trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng thì không nhất thiết phải cho trẻ uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, theo số liệu đánh giá gần đây nhất thì trẻ em Việt Nam vẫn còn nằm trong vùng có nhiều nguy cơ thiếu vitamin A, tỷ lệ suy dinh dưỡng còn tương đối cao. Mặt khác tình trạng thiếu vitamin A có mối liên quan chặt chẽ với suy dinh dưỡng trẻ em, chính vì vậy việc tổ chức uống bổ sung viên nang

vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi trên toàn quốc vào 2 đợt là tháng 6 và tháng 12 hàng năm, vẫn tiếp tục duy trì.

T.Phương (thực hiện)