Vẹo cột sống do ngồi không đúng cách!

Thứ ba, ngày 11/03/2014

Tư thế ngồi học bài của trẻ em ở trường cũng như ở nhà rất quan trọng. Nhiều trẻ do thói quen ngồi không đúng tư thế dẫn đến bị gù, vẹo cột sống phải điều trị tốn kém, mất thời gian.

  Phụ huynh cần sớm phát hiện biểu hiện khác thường ở con mình để sớm đưa con đến các cơ sở tập VLTL

Ghi nhận của chúng tôi tại các khoa phục hồi chức năng (PHCN) ở các cơ sở y tế trong tỉnh là có nhiều trường hợp học sinh được phụ huynh đưa đến khám vì “thấy kỳ kỳ, đi đứng không thẳng”. Nhiều trẻ ngồi học kiểu… vắt vẻo trên ghế, trên bàn hay có khi nằm dài nhưng phụ huynh ít khi chú ý. Ở trường học cũng thế, nếu các em ngồi không đúng tư thế mà không được giáo viên nhắc nhở sẽ dần dần ảnh hưởng đến cột sống gây nên tình trạng gù, lệch cột sống rất đáng tiếc.

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, thầy cô cần hiểu để hướng dẫn, điều chỉnh những tư thế sai lệch khi ngồi học hay sinh hoạt, tránh cho trẻ bị gù, vẹo cột sống. Tư thế ngồi học đúng là đầu và thân được giữ thẳng, hai vai hơi mở ra phía sau, bụng gọn, vùng thắt lưng hơi cong ra phía trước, chân thẳng. Chiều cao bàn, ghế cần phù hợp với chiều cao trẻ. Cần điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa chiều cao bàn và mặt ghế ngồi không thấp hơn 22cm và không cao hơn 27cm. Nên ngồi với 4 điểm tựa là hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn. Mắt cách mặt trang sách từ 25 - 30cm. Ngồi học như thế trọng lượng cơ thể phân phối đều ở các điểm tỳ tựa, bắp thịt được thư giãn, tuần hoàn và hô hấp thuận lợi, cơ thể thoải mái hơn và không ảnh hưởng xấu đến cột sống.

Anh Huỳnh Văn Tùng, Cử nhân Vật lý trị liệu (VLTL) hiện công tác tại Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh giải thích: Cột sống vừa có chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể, là điểm tựa cho đầu, mình và tay chân, vừa bảo vệ an toàn bó dây thần kinh từ não đi xuống và tỏa ra từ các khe đốt sống để chỉ huy mọi hoạt động của cơ thể. Vì phải bảo đảm các chức năng quan trọng như thế nên cột sống được cấu tạo bởi nhiều đốt sống hợp lại, được đệm giữa bằng những đĩa sống có tính đàn hồi, có tác dụng chống ma sát và giảm xóc khi lao động, đi lại, chạy nhảy… Bình thường, sức nặng của cơ thể ở tư thế đứng thẳng, tác động uốn cột sống cong theo chiều trước sau thành hình chữ S khi nhìn nghiêng (nếu nhìn chính diện thấy cột sống vẫn thẳng). Nhờ cột sống uốn cong như vậy nó trở nên mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu được trọng tải nặng, cường độ vận động mạnh. Xương sống của trẻ còn yếu nên nếu có tư thế ngồi học bài không đúng, lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù và bụng phình ra phía trước. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt…

Tuy nhiên, cũng theo anh Tùng, phần đông phụ huynh chưa quan tâm lắm đến chứng gù, vẹo cột sống của con em mình. Thực tế từ Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh hàng tháng đều phát hiện nhiều ca bị gù, vẹo cột sống nhưng số ca đến tập VLTL không nhiều. Đa phần phụ huynh ưu tiên cho việc học của con mình hơn là đi chữa bệnh! Nhiều trẻ học bán trú nên lại càng khó để tập VLTL. Tâm lý sợ con nghỉ học để điều trị sẽ thua kém bạn bè nên nhiều người bỏ qua, không đưa con đi tập VLTL khiến cho tình trạng gù, vẹo cột sống nghiêm trọng hơn. Theo anh, khi phát hiện trẻ có vấn đề về cột sống, cần khám kỹ, có trường hợp phải phẫu thuật. Nếu con bị nhẹ, ba mẹ cũng nên sắp xếp thời gian hợp lý, theo đúng phác đồ điều trị, kiên trì tập VLTL cho trẻ để khỏi ảnh hưởng khi trưởng thành.

 

 QUỲNH NHƯ