Venezuela, “bài toán” chưa có lời giải
(BDO) Mỹ đang liên tục có những biện pháp gây áp lực lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhằm phá vỡ thế bế tắc trong chính trường quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, sự vội vàng của Washington dường như chưa mang lại hiệu quả.
Mục tiêu khó đạt được
Mỹ hiện đang tăng cường áp lực đối với tổng thống Maduro khi cáo buộc ông là “kẻ khủng bố - buôn lậu ma túy”, đồng thời treo giải thưởng hậu hĩnh 15 triệu USD cho bất kỳ ai đưa ra được các thông tin có thể giúp bắt giữ nhà lãnh đạo này và đưa thủ lĩnh đối lập Juan Guaido lên thế chỗ. Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể gây sức ép với chế độ Venezuela nhưng cũng hoài nghi rằng liệu nỗ lực này có thể chấm dứt các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị dai dẳng tại quốc gia Nam Mỹ này hay không.
Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Venezuela, Hugo Carvajal được cho là chuẩn bị đầu hàng chính quyền Mỹ, sau khi các công tố viên của Washington hôm 26-3 buộc tội ông này buôn lậu ma túy với sự đồng lõa của Tổng thống Maduro. Tuy vậy, Lực lượng Vũ trang Quốc gia Venezuela (FANB) vẫn khẳng định sự “trung thành tuyệt đối” và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.
Trong một thông điệp do Tư lệnh đơn vị tác chiến chiến lược Remigio Ceballos công bố, FANB bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc “ngông cuồng và cực đoan” của Mỹ nhằm vào Tổng thống Maduro, đồng thời cho rằng động thái này của Washington xuất hiện ngay sau khi Venezuela vạch trần một âm mưu bạo lực được thực hiện từ lãnh thổ Colombia nhằm ám sát Tổng thống Maduro và một số lãnh đạo cao cấp của chính quyền cách mạng Venezuela.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tại, các mục tiêu của Mỹ đối với chính trường Venezuela khó khả thi. Số tiền hàng chục triệu USD mà Bộ Tư pháp Mỹ tung ra làm phần thưởng có mục tiêu kích động những chia rẽ trong các cơ quan chỉ huy của chế độ Tổng thống Maduro.
Nhà chính trị học Luis Salamanca nhận định: “Đây là một trò chơi bi-a... bạn đưa những trái bóng lên bàn, chọc một quả để nó lăn vào những quả khác, từ đó sinh ra những phản ứng tiếp theo”. Theo ông, hành động của Mỹ ở đây là “chọc vào một quả bóng để khuấy động nhóm quyền lực ở Venezuela”, từ đó gây ra những chia rẽ nội bộ. Nỗ lực kích động sự chia rẽ là một trong những mục tiêu chính của thủ lĩnh đối lập Guaido kể từ tháng 1-2019 khi ông sử dụng vị trí của mình là Chủ tịch Quốc hội để tự xưng là tổng thống lâm thời, theo đó trực tiếp thách thức quyền lực của Tổng thống Maduro.
Mặc dù được hơn 50 quốc gia công nhận, ông Guaido vẫn không thể đạt được bất cứ tiến triển quan trọng nào. Tổng thống Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của quân đội hùng mạnh - vốn được các đồng minh Trung Quốc, Nga và Cuba hậu thuẫn, đồng thời vẫn kiểm soát các nguồn thu nhập của nhà nước vốn đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Peter Hakim, Chủ tịch danh dự của hãng tư vấn Đối thoại Liên Mỹ tại Washington, nhận định: “Cả Mỹ và ông Guaido đều đã thất bại trong nỗ lực gây suy yếu nền tảng quyền lực của Tổng thống Maduro. Thật khó đưa ra một dự đoán nghiêm túc rằng tình hình có khác đi trong thời điểm này hay không”, mặc dù ông cũng thừa nhận rằng đây là thời điểm mà “áp lực và sức ép đang gia tăng đối với chính phủ và quân đội của Tổng thống Maduro”.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
COVID-19, một yếu tố bất ngờ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng mới nhất tại quốc gia vốn đã oằn mình trong 6 năm suy thoái và siêu lạm phát, ngốn mất 1/10 tiền lương và tiết kiệm này, một số thành phần trong phe đối lập đã không còn nói đến khả năng tham gia các cuộc đàm phán với Tổng thống Maduro.
Risa Grais-Targow, chuyên gia của hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định: “Bản cáo trạng Tổng thống Maduro khiến cho một cuộc đàm phán như vậy càng trở nên bất khả thi bởi nó chắc chắn làm gia tăng những thiệt hại khi Tổng thống Maduro và các quan chức quan trọng khác phải ra đi”.
Những nỗ lực đàm phán trước đây cũng đều bị đình trệ bởi những lời đề nghị của phe đối lập rằng Tổng thống Maduro từ chức để các cuộc bầu cử mới được tiến hành đã bị tổng thống từ chối thẳng thừng.
Ngoài ra, còn có một yếu tố quan trọng khác khiến tình hình Venezuela khó có những chuyển biến mới trong thời gian tới, đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Chuyên gia Grais-Targow nhận định: “Phần lớn chính sách của ông Trump đối với Venezuela đều được định hướng bởi những cân nhắc trong hoạt động tranh cử của ông ở bang Floria, một bang dao động quan trọng, nơi các cử tri Mỹ gốc Cuba và Mỹ gốc Venezuela đều là những tập thể cử tri quan trọng. Thêm vào đó, việc gia tăng sức ép kinh tế trong một giai đoạn khủng hoảng nhân đạo như hiện nay có thể bị coi là hành động làm trầm trọng thêm khủng hoảng và việc đẩy mọi thứ đi quá xa, có thể gây tác dụng ngược”.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm suy yếu cơ sở hạ tầng y tế của Venezuela. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt tài chính và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ đã khiến nền kinh tế nước này mất ít nhất 17 tỷ USD/năm kể từ năm 2017. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ không phải là lý do duy nhất khiến nền kinh tế Venezuela sụp đổ, song chúng là nhân tố đứng đằng sau khiến nền kinh tế nước này bị suy giảm mạnh năm 2019, làm Venezuela mất 1/3 GDP.
Venezuela đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dốc hầu bao khẩn cấp để giúp họ đối phó với đại dịch COVID-19. Cho tới nay, IMF đã trả lời Venezuela, nói rằng họ không thể cân nhắc điều này cho tới khi các thành viên nhất trí được việc phe phái chính trị nào ở Venezuela được công nhận là chính phủ hợp pháp. Đây là hậu quả trực tiếp từ quyết định của Mỹ hồi năm ngoái khi phá vỡ truyền thống ngoại giao và công nhận một chính quyền không có quyền kiểm soát lãnh thổ ở Venezuela là chính quyền hợp pháp và kêu gọi các nước khác làm theo.
Theo CAND