Vẹn nguyên một con đường...

Thứ sáu, ngày 06/12/2019

(BDO) “...Anh lính trẻ trên võng dù đẫm máu/ Chắc vì đau nên nằm lặng lẽ mê man/ Hãy gắng lên về trạm phẫu tiểu đoàn/ Rồi bác sĩ chữa cho anh lành lặn.../ Ngày mai anh lại lên đường ra trận/ Giải phóng quê hương, diệt hết giặc thù/ Để bầu trời rạng rỡ nắng mùa thu/ Cho đất nước giang sơn liền một dải”... Những câu thơ trong bài “Cây cầu người” của tác giả Nguyễn Đình Huân đã làm cho bác sĩ Trương Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé nhớ lại những năm tháng tham gia quân dân y để cứu thương cho thương binh. Với ông, dù làm gì, ở đâu, vẫn vẹn nguyên con đường theo Đảng, tự hào về Đảng vinh quang.


Bác sĩ Trương Trung Nghĩa

Ác liệt

Hai từ ngắn gọn nhưng ẩn chứa biết bao nỗi cam go của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam mà những người như bác sĩ Trương Trung Nghĩa, một quân dân y cảm nhận được. Bác sĩ Trương Trung Nghĩa sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1958, tròn 14 tuổi, ông đã được đưa đi Sài Gòn làm quân báo. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là giao liên, đưa thư từ mật cho khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Đầu năm 1960, ông được đưa về quê ở xã An Điền, huyện Bến Cát để theo thầy Sáu Vui, Chín Ngót học cứu thương. Vừa trở về, ông được theo phục vụ cho trận đánh Tua Hai ở Tây Ninh.

Nhớ về giai đoạn đó, ông tự hào lắm. Ông kể, Tua Hai là tên một tháp canh thời Pháp, sau này Mỹ - ngụy tiếp tục xây dựng tại đây thành căn cứ quân sự chiến lược lớn. Năm 1960, Tua Hai là kho vũ khí dự bị cho cả 3 vùng chiến thuật của ngụy. Sau chiến thắng Tua Hai, ta thu hơn 1.200 súng các loại và nhiều đạn dược, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Sau trận Tua Hai, phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng ra đời và phát triển mạnh mẽ với những trận đánh có hiệu quả cao, tiêu diệt được nhiều địch trên khắp chiến trường miền Nam. Ông đã rất may mắn và tự hào khi được phục vụ cho trận này và giành chiến thắng. Bước sang năm 1961, ông được đưa vào Công an tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, năm 1963, ông được điều về Trung ương Cục (R), làm nhiệm vụ phục vụ y tế tại trường Điệp báo (hay còn có tên trường Trinh sát, trường Vũ thuật), rồi phục vụ đường dây đặc biệt của Công an R, từ R đến khu Sài Gòn - Gia Định.

Chiến trường ác liệt, người quân y như ông cũng nếm trải biết bao hiểm nguy. Bác sĩ Trương Trung Nghĩa kể tiếp, cuối năm 1967, ông được đưa đi học y sĩ ở Ban Quân y R. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban Quân y Đoàn 100 được thành lập và chia ra nhiều đội giải phẫu tiền phương. Ông cùng đồng chí Công, Châu được phân công trực tiếp cấp cứu tại mặt trận của Sư đoàn 9 đánh vào Sài Gòn (cánh nam tỉnh Long An). Đúng 12 giờ đêm Mậu Thân 1968, các chiến trường đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến vô cùng ác liệt. Địch bắn đạn pháo cối, đạn nhọn vào trận địa của ta. Quân ta thương vong nhiều. Trận địa cánh nam tỉnh Long An lầy lội rất khó khăn cho công tác di chuyển, cấp cứu thương binh. Trong lúc ấy, đồng chí Công bị trúng M79, hy sinh; kế bên, đồng chí Châu bị thương gãy tay. Tổ giải phẫu tiền phương 3 người, giờ chỉ còn lại một mình ông. Lúc này, ông ráng gượng dậy, kéo đồng chí Công ra khỏi mặt trận, rồi quay sang nói với đồng chí Châu: Anh và anh Công nằm đây đợi, tôi bò qua nhờ anh em thanh niên dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong qua giúp (cách khoảng 100m). Trước khi đi, ông cùng đồng chí Châu ăn lương khô, uống miếng nước và không quên dặn đồng chí Châu, nếu ông có hy sinh thì về báo với Công an R, ông và đồng chí Công đã hy sinh rồi. Khi ông qua tới đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến thì ở đây tình hình cũng rất căng thẳng, thương vong và thương binh rất nhiều, anh em không thể qua giúp. Không còn cách nào khác, ông lại bò trở về nhưng vừa về tới thì đồng chí Châu cũng đã trúng pháo của địch hy sinh tại chỗ.

Ông còn nhớ, đêm đó khoảng 2 giờ sáng, trên bầu trời thì trực thăng thả pháo sáng. Dưới thì địch bắn M79 liên tục ra mặt trận. Bộ đội thuộc Sư đoàn 9, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hy sinh và bị thương khá nhiều. Anh em hy sinh thì đưa ra khỏi mặt trận 500m - 1km, lau chùi, đóng gói nylon chôn cất bên vàm sông Vàm Cỏ Đông. Còn lại khoảng 150 đồng chí thương binh thì dẫn họ băng qua cánh đồng ruộng phía Campuchia băng thẳng về đìa gai Ba Thu lúc khoảng 5 - 6 giờ sáng (lùm cây giữa đồng ruộng là nơi C2, Đoàn 100 đóng để giải phẫu tiền phương). Bị thương quá nặng, nhiều anh em đã hy sinh trên bàn mổ. Tại đây, ban ngày anh em chia ekip mổ cho thương binh. Ban đêm thì khiêng các đồng chí hy sinh về bên sông Vàm Cỏ Đông chôn cất. Làm 3 - 4 tháng liền như thế mới xong. Sau khi hoàn thành nhiệm vu, ông mới trở lại C2 đoàn 100 của Ban Quân y R học tập.

Đến năm 1970, bác sĩ Trương Trung Nghĩa về nhận nhiệm vụ làm trợ ký điều trị và phòng bệnh cho Phòng Y tế Công an R mới thành lập. Chưa được bao lâu, năm 1971, trận càn Đông Dương của Mỹ - ngụy nổ ra (còn gọi là trận càn Lam Sơn 719 đánh thẳng qua Lào, Campuchia). Bệnh xá và đội phẫu của Ban An ninh R bị trực thăng địch phát hiện, đánh thẳng vào trạm xá. 4 người hy sinh và 10 người bị thương rất nặng. May mắn thoát chết, ông cùng các y tá khác chạy lo cấp cứu cho thương binh dưới làn đạn, pháo cối của địch. Ngày hôm sau, trên đường hành quân, trạm xá và đội phẫu cũng bị trực thăng đánh tiếp, ác liệt không kém hôm qua, nhưng nhờ có hầm của đơn vị cũ nên thương binh và nhân viên trú ẩn an toàn. Ông bảo: “Tôi nhớ các lần, có một ca thương binh rất nặng. Bác sĩ Hai Nhỏ quyết định mổ cấp cứu. Tôi và bác sĩ Hai Nhỏ vừa mổ xong thì bệnh nhân tắt thở”. Sau trận này, ông được điều về công tác tại Công an Phân khu 5.

Chiến trường Phân khu 5 ác liệt, tàn khốc, đau thương bao trùm bởi Mỹ - ngụy rải thảm B52, pháo bầy, biệt kích, bao vây căn cứ để chia cắt Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn giữ vững khí thế cách mạng, chiến đấu đến cùng. Không có gạo, ta ăn củ mài, củ chụp, lá rừng... để sống và chiến đấu. Năm 1973, bác sĩ Trương Trung Nghĩa được đưa đi học lớp bác sĩ dân y miền Nam. Năm 1975, ông được lãnh đạo Công an R gọi về để chuẩn bị đi vào chiến trường khu Sài Gòn- Gia Định.

Kỷ niệm khó phai

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử. Riêng với bác sĩ Trương Trung Nghĩa cũng là một kỷ niệm khó phai. Đội phẫu của ông đã kịp thời cứu thương cho thương binh trong giờ phút quyết định này. Đúng 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, ông cùng 2 bác sĩ khác đi tiếp quản bệnh viện cảnh sát ngụy do bác sĩ Mân làm giám đốc. Ngày đó, ngoài bàn giao con người, thuốc men, tài sản, còn có rất nhiều súng ống. Trước sự ngạc nhiên của ông, bác sĩ Mân trả lời: “Tổng nha cảnh sát chỉ đạo đội ngũ y bác sĩ ở đây phải chống lại tiểu đoàn quân giải phóng. Chúng tôi đã không dùng đến số súng ống này...”. Với bác sĩ Nghĩa, đây là một kỷ niệm khó phai.

Hòa bình lập lại, bác sĩ Trương Trung Nghĩa trở lại học ở trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh (khóa đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng). Năm 1979, ông ra trường, về công tác tại Văn phòng Bộ Công an. Đến năm 1980, ông xin về làm Trưởng ban Y tế Trạm xá Công an tỉnh Sông Bé và Phó phòng Hậu cần Công an Sông Bé. Sau đó, những năm 1983-1984, ông được điều về làm Phó trưởng ban Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sông Bé, quản lý gần 5.000 hồ sơ cán bộ trung cao cấp của tỉnh. Lúc này, ông vừa làm vừa học, bởi chưa có nơi nào có để tham quan học hỏi. Sau 5 tháng hoạt động, trung tâm đã đi vào nề nếp, hoạt động tốt.

Trải qua nhiều khó khăn, ác liệt của cuộc chiến, bác sĩ Trương Trung Nghĩa luôn tự hào rằng ông đã giữ được y đức của người thầy thuốc: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Lương y như từ mẫu”... Những Huân chương Độc lập hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú... chính là những phần thưởng cao quý mà bác sĩ Trương Trung Nghĩa đã xứng đáng được nhận. Nhưng với ông, điều tự hào và hạnh phúc nhất vẫn là trong ông luôn vẹn nguyên một con đường theo lý tưởng cao đẹp của Đảng.

 THU THẢO