Vén màn bí ẩn ngày 10-10 lịch sử trên đỊa đạo tam giác sắt

Thứ ba, ngày 08/10/2013

Bài 2: Gặp gỡ nhân chứng lịch sử

> Bài 1: Tháng 10 đen tối của quân viễn chinh No.1 thế giới

Bài 3: Gặp ông Tư Mỏi

 Người chỉ huy trận đánh ngày 10-10-1965, ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi) là một nhân vật khá đặc biệt với cánh nhà báo. Ông Mỏi gây ấn tượng mạnh không phải chỉ bởi chiến tích để đời của mình cùng 6 lần bị thương, trong đó nhiều lần chết hụt, bị cụt đến cổ tay, vẫn còn hàng chục mảnh bom đạn của kẻ thù ghim trong người, mà ông còn là người cực kỳ khó tiếp cận đối với cánh báo chí.  

Bài 4: Đời thường của người anh hùng không danh hiệu

Từ nông dân nghèo…

Đã từng gặp gỡ và trò chuyện với nhiều nhân vật lịch sử, có người đã đi vào huyền thoại của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng quả thật chưa có người nào mà người viết lại khó tiếp cận như Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Mỏi. Được Đảng ủy xã An Điền (Bến Cát) cử cán bộ dẫn đến tận nhà và giới thiệu nhưng ông Tư Mỏi vẫn một mực khăng khăng “Tôi không có gì để nói hết. Mấy cô chú về đi”. Đây không phải là lần đầu tiên ông Tư Mỏi từ chối tiếp xúc với báo chí để nói về một thời hào hùng của mình và các đồng đội. Sau này, chúng tôi được Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Điền Nguyễn Công Khai cho biết: “3 - 4 lần trước đây, cũng có báo đài Trung ương và địa phương vô tận nhà xin được phỏng vấn, viết bài về bác Tư Mỏi nhưng đều thất vọng ra về”.

Chúng tôi cũng suýt nữa trở thành người thất bại trong việc thuyết phục ông Tư Mỏi cho phép dựng lại một phần chân dung của người từng cùng 3 đồng đội với vũ khí trang bị hạn chế, lực lượng không cân sức mà lại có thể tiêu diệt đến hơn 150 tên Mỹ trong một trận đánh làm chấn động dư luận địa cầu. Nhờ chịu khó sưu tầm một số tư liệu hiếm hoi về ông Tư Mỏi và kết hợp với lòng nhiệt thành của mình mà sau hơn nửa giờ trò chuyện, chúng tôi được ông mời vào nhà uống nước và sau đó trút cạn nỗi lòng của mình.

Ông Tư Mỏi (sinh năm 1940) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em; cha mất sớm, mẹ hàng ngày phải gánh bánh, xôi đi bán nuôi con. Thấm được những cơ cực của mẹ, từ nhỏ ông phải đi ở đợ, chăn trâu tự lo cho bản thân, góp phần đỡ đần nỗi cơ cực của mẹ. Trong những ngày tháng rong ruổi cùng đàn trâu chăn thuê cho chủ, ông Tư Mỏi được cách mạng dìu dắt. Sau nhiều lần phát hiện địch đi ruồng bố ráp ông đã kịp thời chạy về báo cho những cán bộ tham dự cuộc họp kịp thời rút lui.

Lanh lợi, thông minh nên ông nhanh chóng được huấn luyện cơ bản, rồi tham gia lực lượng tự vệ mật. “Được các cán bộ như anh Sáu Tần, Tám Hùng, Sáu Đờn cho tôi theo cách mạng, sau đó lại được bố trí làm Tổ trưởng Tổ tự vệ mật, tôi mừng vui khôn xiết. Vì thế, tôi luôn hoàn thành các nhiệm vụ, trong đó có việc rải truyền đơn, bảo vệ các cuộc đấu tranh chính trị, diệt ác phá kìm, chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi. Năm 1960, tôi cùng lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy đánh chiếm nhà việc Kiến Điền diệt ác phá kìm và tự nguyện xin nhập ngũ vào lực lượng vũ trang trực tiếp cầm súng đánh giặc”, ông Tư Mỏi nhớ lại.

…Đến chiến công chấn động

Bên tách trà thơm lừng, ông Tư Mỏi thuật lại trận đánh đi vào lịch sử, làm chấn động dư luận, sau đó được điện ảnh một số nước trong khối XHCN đến quay phim để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ cho bạn. Đó là vào thời điểm tháng 10-1965, địch tổ chức chiến dịch càn quét với quy mô lớn vào 3 xã vùng lõi của Tam giác sắt anh hùng là An Điền, An Tây và Phú An. Theo tài liệu lịch sử, trận càn này địch sử dụng lực lượng gồm 12.000 lính thủy quân lục chiến, trong đó có 8.000 lính Mỹ thuộc Sư đoàn số 1 được mệnh danh là Anh Cả Đỏ và 1 trung đoàn thuộc Sư đoàn 5, bộ binh ngụy, cùng rất nhiều máy bay, phi pháo và tàu chiến yểm trợ.

Sau 2 ngày càn quét, Mỹ - Ngụy chưa đạt được thắng lợi nào đáng kể, còn bị thương vong rất nhiều, dù vậy chúng vẫn không từ bỏ mục tiêu “làm sạch” 3 xã vùng Tây Nam Bến

Cát. Đến ngày 10-10-1965, tiểu đoàn lính Mỹ đóng trên đường số 7 sau khi bắn dọn đường hơn 1 giờ liền, chúng kéo xuống phối hợp với một cánh quân đang chốt ở Đồng Trai, rồi chia ra nhiều mũi càn vào sở Ông Kho và ấp 1, xã An Điền. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, một cánh quân Mỹ càn đến ụ chiến đấu của tổdu kích có 4 người (gồm ông Tư Mỏi cùng với 3 đồng đội là Bảy Lỡ, Năm Ne, Tư Tạo) do đồng chí Tư Mỏi phụ trách. Tổdu kích này được trang bị gồm 2 súng carbine, 2 súng trường bá đỏ, 1 súng cối 81 và nhiều trái nổ, mìn ĐH 10 được gài xung quanh ụ chiến đấu, trận địa phục kích.

Khi đội hình địch lọt vào trận địa bố trí của tổdu kích, ông Tư Mỏi đã kích trái nổtiêu diệt một tốp đông lính Mỹ, sau đó cùng 3 đồng đội dùng súng carbine, súng trường bá đỏ bắn tỉa những tên Mỹ định tiếp cận ụ chiến đấu (có 3 mặt bố trí lỗ châu mai để đánh địch vừa phòng thủ khá chắc chắn - PV). Khi địch hoảng loạn, gần như toàn bộ đội hình đi vào đúng trận địa mìn, các trái 105 ly, ĐH 10 được ông Tư Mỏi chôn sẵn và trực tiếp kích nổ. Nhiều đợt đánh bằng trận địa mìn và súng như thế đã biến khu vực sở Ông Kho trở thành nấm mồ khổng lồ chôn vùi hơn 2/3 tiểu đoàn lính Mỹ. Sau trận chiến trên, ông Tư Mỏi thuật lại: Nghe cấp trên nói lại là qua đài BBC, đài phát thanh Giải phóng loan tin đã có hơn 150 tên Mỹ bị tiêu diệt trong trận đánh tử thần, chấn động địa cầu do tổdu kích 4 người xã An Điền thực hiện.

Ông Tư Mỏi kể tiếp, thấy tổn thất nặng nề, địch vừa cho trực thăng xuống lấy xác đồng bọn tử thương, vừa gọi phi pháo trút đạn như mưa vào khu vực trận địa của ta. Tổdu kích do ông chỉ huy liền theo giao thông hào và địa đạo dài 300m rút lui an toàn, ụ chiến đấu sau đó đã bị san bằng. Khi di chuyển từ giao thông hào vào bìa rừng, ông và các đồng đội còn đếm được có 3 đợt trực thăng vận thay nhau xuống lấy xác của lính Mỹ. “Cả tháng sau khi tôi đi ngang qua trận địa tiêu diệt hơn 150 tên Mỹ thì vẫn còn nghe mùi hôi thối, đến giờ nhiều đêm tôi vẫn còn bị ám ảnh từ trận đánh kinh hoàng đó”.

 Ông Tư Mỏi có thời gian thoát ly công tác liên tục từ năm 1956 đến năm 1975, qua các đơn vị lực lượng tự vệ mật xã An Điền, du kích An Điền, Quân báo huyện Bến Cát, Ban An ninh huyện Bến Cát. Sau này, ông Tư Mỏi được Huyện ủy và Ban chỉ huy Công an huyện Bến Cát biệt phái làm Trưởng Công an công tác tại các xã Tây Nam. Năm 1982, vì lý do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn và sức khỏe kém, ông xin nghỉ việc để ổn định kinh tế gia đình. Năm 1963, ông được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Quân Giải phóng miền Đông. Năm 1964, ông là Chiến sĩ thi đua tỉnh Thủ Dầu Một, năm 1965 cùng với trận đánh sở Ông Kho, đánh diệt 6 xe tăng Mỹ, ông được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

CHÍ THANH - HÒA NHÂN