Vén màn bí ẩn ngày 10-10 lịch sử trên địa đạo Tam giác sắt
Bài 2: Gặp gỡ nhân chứng lịch sử
> Bài 1: Tháng 10 đen tối của quân viễn chinh No.1 thế giới
Người dân sống lâu năm tại xã An Điền (Bến Cát) hầu hết đều biết đến bia kỷ niệm chiến thắng ngày 10-10-1965, được đặt tại địa bàn ấp 2 (nay thuộc địa bàn ấp An Mỹ). Gần 50 năm trôi qua, những nhân chứng lịch sử biết rõ về trận đánh kỳ diệu này nay không còn nhiều. Phóng viên Báo Bình Dương ngược lên Bình Long (Bình Phước) rồi vòng xuống TP.HCM để tìm gặp các nhân chứng và đã chắp nối những câu chuyện kể rời rạc thành câu chuyện hoàn chỉnh về một thời khắc đầy hào hùng của quân dân Bình Dương, đất và người An Điền nói riêng…
Dù con số 150 tên Mỹ bị loại khỏi vòng chiến khi lọt vào ô ụ chiến đấu của ông Tư Mỏi ngày 10-10-1965 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sự kiện ông Tư Mỏi cùng tổ du kích 4 người diệt rất nhiều tên Mỹ và phương pháp đánh Mỹ của tổ du kích An Điền được đồng đội, lãnh đạo cấp trên xác nhận hoàn toàn là sự thật, được Bộ Tư lệnh Miền biểu dương. Hầu hết nhân chứng mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, cách đánh Mỹ đạt hiệu quả lớn của ông Mỏi và tổ du kích An Điền chính là một trong những cơ sở để lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam hình thành nên phương châm rất nổi tiếng là “Bám thắt lưng địch mà đánh”.
Một vụ tấn công bằng bom Napalm vào trận địa do lính Mỹ thực hiện
Sự thật phơi bày
Một nhân chứng từng kề cận chiến đấu cùng ông Tư Mỏi là ông Nguyễn Văn Banh (Hai Banh), ngụ khu phố Phú Trung, phường Hưng Chiến, TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ông Hai Banh tham gia cách mạng năm 1960, là thành viên đội du kích xã An Điền, từng tham gia nhiều trận đánh do ông Mỏi chỉ huy. Sau trận đánh năm 1963, ông Hai Banh bị thương, được điều về làm trợ lý chính sách cho Huyện đội Bến Cát, là người cung cấp hậu cần, nắm và báo cáo tình hình của các địa phương cho Huyện đội. Ông Hai Banh cho biết: “Từ nhỏ cho đến khi lớn lên, tôi đi ở đợ, chăn trâu, sau này chiến đấu chung đơn vị với anh Mỏi nên tôi biết rất rõ bản tính và con người anh. Tôi khẳng định, trận đánh ngày 10- 10-1965, đội du kích An Điền do anh Tư Mỏi chỉ huy bám ô ụ chiến đấu (giống như công sự được xây dựng với 3 lỗ châu mai cho 3 hướng - PV), đánh nhiều đợt trong ngày, sử dụng trận địa mìn, trái nổ kết hợp với bắn tỉa đã tiêu diệt khoảng 150 tên Mỹ là có thật”.
Theo lời kể của ông Hai Banh, đây không phải là trận đánh theo kiểu tự phát mà được chuẩn bị, điều nghiên kỹ càng. Địa đạo mà ông Tư Mỏi và các đồng đội rút khỏi trận địa sau khi tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ đã có sẵn từ năm 1962 do ba của ông là ông Nguyễn Văn Phích trực tiếp đào. Khi nghe Mỹ - ngụy chuẩn bị càn vào, ông Tư Mỏi đã phát triển thêm các ô ụ chiến đấu, lỗ châu mai. Chính ông Tư Mỏi là người đi dây điện, chôn trái nổ đầu pan, mìn ĐH10 (những thiết bị nổ có hỏa lực rất mạnh, khả năng sát thương cao do các công trường, tức là công binh xưởng của ta chế tạo - PV). Ông Mỏi chôn khoảng 50 trái đầu pan cùng mìn ĐH10 tại các lối mòn trong rừng mà được nhận định lính Mỹ sẽ hành quân ngang qua. Ông Hai Banh nghe dân và cơ sở báo lại là máy bay trực thăng của Mỹ phải xuống lấy xác 3 - 4 đợt và gần 1 tháng sau trận đánh, khi đi ngang khu vực diễn ra trận đánh với trận địa bom mìn - gần Sở Ông Kho, ấp 2 xã An Điền - vẫn còn bốc mùi hôi thối do xương thịt văng vãi khắp nơi. Sau khi trận đánh kết thúc, khi xuống cơ sở nắm tình hình, ông Hai Banh là người báo cáo trận đánh kinh hoàng này lên cấp trên.
Ông Huỳnh Văn Thu (Bảy Thu), nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát cho biết, chuyện anh Tư Mỏi và các đồng đội trong tổ du kích An Điền bám ô ụ chiến đấu, sử dụng trận địa mìn, trái nổ và súng trường làm chết và bị thương gần 150 tên Mỹ vào ngày 10-10-1965 là hoàn toàn có thật. Ông Bảy Thu nhớ lại: Trước khi lực lượng hùng hậu của Mỹ càn vào 3 xã Tây Nam của huyện, Huyện ủy Bến Cát đã tổ chức cuộc họp với Huyện đội để chuẩn bị chống càn, bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Sau cuộc họp, Huyện ủy và Huyện đội Bến Cát đã giao nhiệm vụ về du kích các xã, trong đó có du kích An Điền kiểm tra lại tình hình ô ụ chiến đấu, địa đạo và trận địa mìn, trái nổ với hỏa lực mạnh đã chuẩn bị từ trước để đón đánh quân Mỹ còn chân ướt chân ráo đặt chân xuống chiến trường miền Đông. Đúng như dự liệu của Huyện ủy và Huyện đội Bến Cát, với cách đánh chủ động, mưu trí và hết sức dũng cảm này, các đơn vị du kích xã, mà đặc biệt là tổ du kích An Điền do ông Tư Mỏi chỉ huy đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Mỹ vốn dương oai tự đắc, ỷ lại vào khí tài chiến tranh hiện đại, quân số áp đảo so với đối phương.
Góp phần hình thành phương châm đánh Mỹ hiệu quả
Ông Bảy Thu cho biết: “Sau trận đánh đó, tôi được cấp trên cử trực tiếp lên R (Trung ương Cục miền Nam) báo cáo kinh nghiệm đánh và đánh thắng Mỹ của quân và dân Bến Cát, mà cụ thể là tại các trận đánh Lai Khê, ấp 9 (Mỹ Phước), An Điền để Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền đúc kết kinh nghiệm đánh Mỹ, phổ biến cho toàn miền, cả nước. Trước trận đánh ngày 10-10-1965 hầu như chưa có nhiều đơn vị bộ đội chủ lực của ta trực tiếp đụng độ với quân viễn chinh Mỹ nên chưa có nhiều kinh nghiệm đánh và thắng Mỹ. Tôi nhớ tại hội nghị bàn về cách đánh Mỹ do Trung ương Cục, mà đứng đầu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Định (Tư lệnh phó Bộ Tư lệnh Miền) chủ trì đã đặt ra câu hỏi: Mỹ mạnh mọi mặt, ta phải đánh Mỹ như thế nào? Câu hỏi đặt ra ngay cả chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực cũng chưa có câu trả lời. Từ cơ sở những trận đánh của du kích Bến Cát tại các xã An Điền, Lai Khê, Mỹ Phước (khu phố 9, thị trấn Mỹ Phước) tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, được báo cáo tại hội nghị. Từ đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Định mới đưa ra phương châm đánh Mỹ “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Địch mạnh, không thể đối đầu, đôi co mà phải bám sát địch, “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Cũng theo ông Bảy Thu, chiến thắng Bàu Bàng (trận đánh Mỹ và giành chiến thắng được đánh giá là lớn nhất tỉnh - PV) đã minh chứng cho phương châm đúng đắn này.
Đại tá Đặng Thành Phương (ngụ TX.Thuận An), nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé và sau này là Bình Dương cho biết: “Thời điểm năm 1965, tôi giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội C61, Bến Cát. Vào thời điểm năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ mới đổ bộ vào Việt Nam với lực lượng hùng hậu, trang bị tối tân thì thật sự lúc đó cả nước vẫn chưa định hình được phương pháp đánh Mỹ do chưa có nhiều kinh nghiệm đối đầu trực tiếp trên chiến trường với đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Vì thế, chuyện du kích đánh Mỹ là việc trên trời dưới biển. Tuy nhiên, điều không tưởng này lại có thật. Vào ngày 10-10-1965, tổ du kích An Điền do anh Mỏi chỉ huy, chỉ 4 người với vũ khí thô sơ nhưng đã tiêu diệt được nhiều lính Mỹ trong một trận đánh. Phải có tinh thần thép và bản lĩnh ngoan cường thì tổ du kích An Điền với 4 người mới dũng cảm bám trụ ô ụ và địa đạo chờ giặc tiến vào trận địa mìn chôn sẵn là đánh, chấm mìn và bắn tỉa những tên định tiến đến gần. Đó là những người lính mưu trí, biết tận dụng lợi thế địa hình, làm chủ được trận địa, sẵn sàng chờ giặc nhào vô là tiêu diệt.
Còn theo đại tá Nguyễn Thanh Bình (ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.TDM), nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Sông Bé, từng giữ chức vụ Tham mưu phó, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân khu miền Đông cho rằng, quân viễn chinh Mỹ không phải là đội quân dễ đối phó. Bởi đây là đội quân thiện chiến, trang bị vũ khí hết sức hiện đại, lại được yểm trợ tối đa của máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và phi pháo nên nếu không có phương pháp đánh Mỹ đúng đắn, cách tiếp cận, đón đánh hiệu quả thì thiệt hại của ta sẽ rất lớn. Như vậy, tổ du kích do anh Tư Mỏi chỉ huy phải vừa dũng cảm, vừa mưu trí và thật sự kiên cường mới có thể làm nên chiến công tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên Mỹ đến như vậy. “Theo tôi, nếu bố trí nhiều trận địa mìn, trái nổ, lựu đạn xung quanh khu vực mà địch sẽ đi qua và tiến hành đánh nhiều đợt, kết hợp với dùng súng bắn tỉa thì chuyện tiêu diệt được hơn 100 tên Mỹ cũng là bình thường”, Đại tá Nguyễn Thanh Bình nói.
Đại tá Đặng Thành Phương nêu ý kiến: “Theo tôi, dẫu còn phải cân nhắc lại số lượng lính Mỹ chết và bị thương là bao nhiêu, nhưng điều đó có khi lại không quan trọng bằng việc ý nghĩa của trận đánh đó. Đây là trận chiến không cân sức giữa một bên là du kích được trang bị hạn chế và một bên là quân Mỹ với lực lượng vượt trội gấp hàng chục lần, được trang bị tận răng, yểm trợ tối đa, nhưng chúng ta vẫn thắng và bảo toàn được lực lượng. Điều này cho thấy, nếu có cách đánh hợp lý và hiệu quả, tận dụng tối đa địa hình, địa vật, cộng với sự dũng cảm, kiên cường thì tổ chiến đấu dù ít người nhưng vẫn có thể làm nên chuyện lớn.
Bài 3: Gặp ông Tư Mỏi
CHÍ THANH – HÒA NHÂN