Về “làng” lan Định Hòa trước thềm xuân

Thứ bảy, ngày 26/01/2013

Định Hòa trong quá khứ cũng có sự hiện diện của các loại hoa vạn thọ, cúc, mai… để rồi mai một và mất dần đi theo thời gian, theo dòng chảy đô thị hóa. Nhưng nhờ có định hướng kịp thời, giờ Định Hòa được biết đến như là một “làng” hoa lan bạc tỷ.

Lan rừng rực sắc phố

Hoa lan được xem là sản vật của núi rừng, là thú chơi tiêu khiển của người nhàn rỗi, người giàu đô thị… Nhưng về phường Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) xuân này có thể thấy tràn ngập những sắc màu hoa lan. Định Hòa xưa là đất đồi gò nên ngoài một ít diện tích đất trồng lúa thì cây rau màu như bí, bầu, đậu phộng… là loại cây trồng chủ lực. Ngoài ra, người Định Hòa chỉ làm tiểu thủ công nghiệp hoặc chăn nuôi heo, bò chứ chưa hề nghĩ đến việc trồng hoa để bán. Lão nông Nguyễn Hữu Sáng năm nay 78 tuổi nhớ lại: “Định Hòa tuy cách Phú Mỹ chỉ một đoạn đường nhưng mỗi dịp xuân về thấy các ruộng hoa cúc, hoa vạn thọ… xã bên đón thương lái nườm nượp về mua hoa mà phát thèm. Xã chúng tôi hồi ấy không ai trồng nổi ruộng hoa nào để bán tết”.

 Tại phường Định Hòa, hoa phong lan trở thành loại cây trồng chủ đạo mang lại thu nhập cao cho người dân Bước ngoặt góp phần hình thành “làng” hoa Định Hòa hôm nay chính là việc phường này được chuyển đổi từ xã thuần nông lên chuẩn đô thị loại IV vào năm 2005 và buộc phải thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 506,86 ha xuống còn 36,6 ha cho việc phát triển thành phố mới Bình Dương, các dự án giao thông đi qua phường. Ngay từ khi nhận thấy đất nông nghiệp giảm mạnh, phường đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức hàng chục đợt tập huấn, có đợt kéo dài đến nửa năm về kỹ thuật trồng cây hoa lan.

Nhờ sự định hướng từ rất sớm của chính quyền địa phương, nhiều người dân mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng lan thương phẩm. “Cánh chim đầu đàn” chính là ông Huỳnh Văn Sánh ở KP.6. Cho đến nay, vườn lan ông Sánh vẫn là một trong những vườn lớn nhất ở Định Hòa với hơn 6.000 gốc lan Mokara. Từ mô hình khá thành công của ông Sánh, đến nay đã có thêm hơn 10 hộ khác quyết đổ tiền vun vén các vườn lan Mokara đua sắc quanh năm. Riêng hộ anh Hoàng Văn Minh ở KP.2 đầu tư trồng 20.000 cây lan Hồ Điệp mỗi năm, giá trị sinh lợi hàng tỷ đồng. Ngoài ra, theo ông Võ Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết thì còn hàng trăm hộ khác cũng đang thử trồng hoa lan quy mô nhỏ hơn để chơi hoặc bán số lượng ít.

Những ngày cuối năm về Định Hòa dễ bắt gặp cảnh hàng chục thương lái chờ lấy hoa, chưa kể rất nhiều người chơi lan tại Bình Dương và các tỉnh lân cận nghe tiếng hoa lan Định Hòa đến đặt mối từ sớm để có hoa chơi tết. Chị Nguyễn Thị Xuân, một thương lái ở TP.HCM cho biết: “Hoa lan ở Định Hòa trồng đồng nhất một giống với nhau, lại có kỹ thuật như nhau nên chúng tôi yên tâm mỗi khi về đây mua hoa đem bán ở các đầu mối. Mùa hoa tết này chúng tôi đặt mua hoa lan ở đây số lượng tương đối lớn”.

Nụ cười sau cánh hoa lan

Cho đến nay, “làng” hoa lan Định Hòa đã có tổng diện tích 9.600m2 với hơn 36.500 gốc lan Mokara, 20.000 chậu lan Hồ Điệp. Lan Mokara trồng suốt 3 năm mới thay gốc, cho hoa ổn định 4 mùa. Trong khi đó, hàng ngày nhà lồng kính với trang bị máy điều hòa nhiệt độ và chế độ thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ vẫn giúp cho lan Hồ Điệp khoe sắc theo ý muốn con người. Nhờ thế, mùa xuân ở Định Hòa có lắm nụ cười tươi rạng rỡ. Nhờ kỹ thuật tốt, đầu tư hiệu quả, các vườn lan ít chịu tác động của thời tiết, cho hoa đều đặn đem lại nguồn thu nhập cao cho người làm nông nghiệp đô thị.

Ông Huỳnh Văn Sánh cho biết: “Gia đình tôi từ TP.HCM chuyển về Định Hòa vào năm 2002 và quyết định nuôi chim cút nhưng dịch cúm gia cầm năm 2004 khiến chúng tôi bị thua lỗ. Sau đó, tôi quyết định chuyển sang trồng lan Delro rồi dần dần thay thế bằng giống lan Mokara đem lại hiệu quả cao”. Cho đến nay, hoa lan thực sự mang lại nụ cười rạng rỡ cho ông và mọi người trong gia đình. Với hơn 5.000 gốc lan cho thu hoạch (cắt cành hoặc bán nguyên gốc), bình quân mỗi tháng vườn lan nhà ông cho thu nhập 10 triệu đồng, một con số khá ấn tượng. Nụ cười thành công của gia đình ông Sánh cũng chính là nụ cười vui của hàng chục hộ trồng lan Định Hòa trong thời gian gần đây, khi cây hoa lan đem lại nguồn thu nhập ổn định và giúp họ cải thiện kinh tế gia đình.

Vươn lên thoát nghèo hay trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi trồng trọt là những chuyện quá đỗi bình thường đối với người Bình Dương. Nhưng ở Định Hòa, điều ấy khá thú vị, bởi tiền tỷ đổ về từ những cành hoa lan, điều không tưởng và thậm chí là hơi kỳ quặc nếu đặt trong hoàn cảnh năm 2005, khi diện tích đất trồng trọt sụt giảm nghiêm trọng và chính quyền địa phương hô hào bà con trồng lan. Anh Dương Thái Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Định Hòa nở nụ cười tươi rói bên những giò lan nở rộ: “Ai mà ngờ được cái chuyện giờ đây phường tôi trở thành “làng” hoa lan, nhiều người thu nhập bạc tỷ từ những mảnh vườn nhỏ bé chỉ vài trăm hoặc 1.000- 2.000m2. May là bà con hiểu mình, nghe mình vận động nên chịu khó học hỏi kỹ thuật, kiên trì gầy dựng”.

Chuyện thành công trong việc gầy dựng và nuôi dưỡng phong trào trồng hoa lan mang lại thu nhập cao của “làng” hoa lan Định Hòa cũng là minh chứng sống động cho tiềm năng của nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao mà UBND tỉnh đang định hướng cho ngành nông nghiệp Bình Dương phát triển giai đoạn 2011-2015.

“Làng” hoa tổ chức hội hoa

Từ phong trào trồng hoa lan nở rộ trong thời gian gần đây, UBND phường Định Hòa quyết định tổ chức Hội hoa xuân 2013 với sự tham gia của hơn 10 đơn vị đến từ các huyện, thị của Bình Dương và các đơn vị bạn đến từ Tây Ninh, Đồng Nai, TP.HCM… Hội hoa xuân năm nay kéo dài từ 26-1 đến 30-1 (nhằm 15-19 tháng chạp) tại Trung tâm Văn hóa phường Định Hòa.

 

KHÁNH VINH