Về hai ngôi trường mang tên chiến sĩ cách mạng ở Bình Dương

Thứ bảy, ngày 14/11/2015

(BDO)

  Trường Võ Minh Đức - niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh

 Nhà giáo cách mạng Võ Minh Đức

Ông Phan Văn Đương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh là một trong những người “thúc đẩy xây dựng” ngôi trường THPT Võ Minh Đức (P.Chánh Nghĩa, TP.TDM). Theo ông Đương, ngôi trường này được xây dựng từ năm 1987, đó là những năm còn khó khăn. “Lúc đó lãnh đạo TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) đã rất quyết tâm để có được ngôi trường cấp III, tức THPT Võ Minh Đức bây giờ. Từ việc vận động người dân để có đất xây trường đến vận động các nguồn lực là một quá trình gian nan, vất vả nhưng bằng sự quyết tâm cao của lãnh đạo, nhân dân Thủ Dầu Một, ngôi trường đã được xây dựng như một việc làm tốt đẹp, một nghĩa cử đối với nhà giáo cách mạng Võ Minh Đức”, ông Phan Văn Đương chia sẻ.

Tìm hiểu về tiểu sử của thầy Võ Minh Đức, tư liệu của trường ghi lại khá đầy đủ. Ông sinh ngày 1-8-1914 tại An Thạnh, Bình Dương. Ông tên là Võ Văn Đợi, còn có các tên khác là Võ Văn Đương và Võ Văn Đức. Bí danh thời kháng chiến chống Pháp của ông là Đang Võ, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là Chí Thành. Nhà giáo cách mạng Võ Minh Đức xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo, mồ côi mẹ lúc 11 tuổi, mất cha năm 24 tuổi, còn lại hai anh em sống nương tựa nhau. Lúc nhỏ, Võ Minh Đức học tại trường Tiểu học An Thạnh, 15 tuổi học tại trường Pétrus Ký, tham gia Hội học sinh cách mạng yêu nước, 19 tuổi tốt nghiệp Ban Cao đẳng Tiểu học. Từ tháng 10-1933 đến tháng 6-1945, ông dạy học tại trường Tư thục Vĩnh Lại, Tân Ánh Mai (Thủ Dầu Một) và tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương cho đến khi trường bị đóng cửa. Ông vẫn tiếp tục hoạt động công tác vận động cách mạng.

Ngày 15-1-1945, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã nhận các nhiệm vụ như: Phó Trưởng ban Bảo vệ TX.Thủ Dầu Một (từ tháng 8 đến 12-1945); Ủy ban Cán sự Lái Thiêu (từ tháng 2 đến 8-1946); Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến (7- 1947 đến 6-1950); Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một (6-1950 đến 3-1951); Tỉnh ủy viên tỉnh Thủ Biên; Khu ủy viên Khu ủy Đông Nam bộ, Chủ tịch UBND Cách mạng kiêm Trưởng ban Tài chánh khu (1972-1975).

Quá trình hoạt động của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Năm 1950, ông được thư khen ngợi của Khu ủy Miền Đông và Tỉnh ủy về thành tích xây dựng cơ sở quần chúng chính quyền của Đảng. Năm 1950-1957: Huy chương Kháng chiến Nam bộ. Năm 1962: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất (7 năm kháng chiến chống Mỹ).

Năm 1983, ông từ trần sau cơn bạo bệnh để lại niềm tiếc thương kính trọng cho bao người. Ngôi nhà thờ phụng ông được xây dựng tại An Sơn, Thuận An, Bình Dương. Năm 1987, trường THPT Võ Minh Đức được thành lập như một nghĩa cử ghi nhớ công ơn ông của Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung.

Thầy giáo - Anh hùng Lực lượng vũ trang thời chống Mỹ Nguyễn Quốc Phú

Để biết rõ về thầy giáo Nguyễn Quốc Phú, người viết đã tìm gặp Thầy thuốc ưu tú - Nhà giáo Lê Hưng. Bởi, ông Lê Hưng từng là Hiệu trưởng nơi thầy giáo Nguyễn Quốc Phú công tác - Trường Cộng đồng Búng. Nhà giáo Lê Hưng làm Hiệu trưởng trường Cộng đồng Búng từ năm 1963 đến 1968, sau chuyển sang làm giáo viên giảng dạy (hồi đó gọi là giáo sư trung học) của Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương… Theo lời ông Lê Hưng thì “đó là một con người xứng đáng để ca ngợi, để biết đến như một người con ưu tú của vùng đất Sông Bé - Bình Dương”.

Nhà giáo liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú sinh năm 1939, hy sinh năm 1967. Nguyễn Quốc Phú tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn. Giai đoạn từ 1960-1964, ông được cử làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Thới Hòa (quận Châu Thành (cũ), tỉnh Bình Dương). Từ năm 1965 đến 1967, nhà giáo Nguyễn Quốc Phú về dạy lý, hóa các lớp 6 và 7 nông lâm súc của trường Cộng đồng Búng (thuộc An Thạnh, TX.Thuận An bây giờ). Ông được bổ nhiệm về dạy trường này vì có bằng tú tài toàn phần…

Theo lời kể của ông Lê Hưng, Nguyễn Quốc Phú là một nhà giáo nhưng tình yêu quê hương đất nước luôn cháy bỏng trong ông. Bất bình trước những cảnh bất công, cảnh nước mất nhà tan, ông sớm giác ngộ cách mạng và vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng. Điều này cũng giống như rất nhiều đồng nghiệp của ông đã làm thời đó. Mùa hè năm 1967, Nguyễn Quốc Phú bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn bắt. Lúc đó ông hoạt động cách mạng trong khối sinh viên học sinh ở đô thành Sài Gòn - Gia Định. Khi bị tra tấn, khai thác ở Tổng nha Cảnh sát Quốc gia (đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM bây giờ), ông tử vong và bị cảnh sát Sài Gòn phi tang bằng cách đẩy thi thể của ông từ lầu 5 xuống đất. Báo chí Sài Gòn hồi đó cũng chỉ loan tin rằng, Nguyễn Quốc Phú đã nhảy lầu tự sát.

Đồng đội trong tổ chức “Nhà giáo yêu nước Bình Dương” của liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú đến bây giờ còn lại một số người như ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Bình Dương, ông Đỗ Văn Của hiện là cán bộ hưu trí ở TX.Thuận An, ông Trần Văn Sùng, hưu trí hiện sống tại TX.Bến Cát… Một số nhà giáo yêu nước là đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú ở Bình Dương nay đã qua đời do tuổi cao sức yếu (ông Năm Hà, ông Hai Việt, ông Hai Long)…

Có một chi tiết rất cảm động là sau khi nhà giáo Nguyễn Quốc Phú hy sinh, đồng đội của ông đã âm thầm xây lên một miếu thờ. Để qua mặt chính quyền Sài Gòn lúc đó, ngôi miếu chỉ đặt tên là miếu thờ cô hồn… Nhưng thật ra, đó là ngôi miếu thờ liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú và các liệt sĩ hy sinh trong trận Mậu Thân - 1968 (trận đánh xảy ra tại ấp Thạnh Lợi, An Thạnh, quận Lái Thiêu - theo tên gọi hồi đó). Ngôi miếu được xây ở bờ tường phía ngoài cổng trường (nay là trường Lý Tự Trọng). Ngôi miếu thiêng nay vẫn còn đó. Đa số người dân hiện nay vẫn chỉ hiểu là ngôi miếu thờ cúng các vong linh vô danh tử nạn ven đường như một tục tập tâm linh dân gian của Nam bộ. Chúng tôi được biết, người đề xuất xây miếu thờ là nhà giáo Huỳnh Thị Kiêm Lang (nữ chiến sĩ biệt động khối quân báo cách mạng ở Bình Dương thời đó, nay đã mất). Bà dạy môn nữ công gia chánh cho nữ sinh trường Cộng đồng Búng. Đó cũng là thời gian nhà giáo Lê Hưng làm Hiệu trưởng.

Về người xây dựng ngôi miếu đặc biệt này là do các ông: Trương Văn Hai, Vương Văn Hung và Phạm Văn Kiềm đảm trách. Nguồn vật liệu xi măng, gạch, cát… là tiền đóng góp từ thiện chí của các nhà giáo trường Cộng đồng Búng. Hiện, ông Trương Văn Hai đã ngoài 90 tuổi, vẫn còn sống tại P.An Thạnh, TX.Thuận An.

Liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Mộ ông hiện ở Nghĩa trang nhân dân Truông Bồng Bông. Liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú hy sinh năm 28 tuổi, chưa có gia đình nên ông được người cháu gọi bằng chú ruột thờ cúng. Để vinh danh người con ưu tú của quê hương, ở Bình Dương có ngôi trường mang tên ông - Trường THCS Nguyễn Quốc Phú ở Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên là nơi sinh quán của nhà giáo liệt sĩ.

Ôn cố tri tân để chúng ta nhớ về những người con anh hùng của quê hương đất nước. Tự hào về truyền thống anh hùng, hiếu học của tiền nhân để từ đó, chúng ta nhắc nhau học tập, làm việc, xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp, phát triển. Đó cũng là một việc làm ý nghĩa trong dịp 20-11…

• QUỲNH NHƯ