Về Cù lao Ông Hổ

Thứ tư, ngày 22/12/2010

Cù lao Ông Hổ (CLÔH) (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) nơi sinh ra và gắn liền với thời thơ ấu của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một người con ưu tú của đất An Giang. Ở CLÔH giờ đây có rất nhiều đổi thay, nhưng có những điều có lẽ không bao giờ thay đổi đó là tình người và những tình cảm của người dân nơi đây với Bác Tôn.

Truyền thuyết một cái tên

Từ thành phố Long Xuyên đi phà qua CLÔH với một đoạn sông nước không xa lắm. Khi phà rời bến được khoảng 20 phút, từ phía xa, chúng tôi đã nhìn thấy bến phà Ô Môi nằm thấp thoáng bên những rặng cây. Phà vừa cập bến, chúng tôi ùa lên bờ, mấy anh xe lôi vây quanh mời chào. Trong số chúng tôi có người đã từng đến đây nhiều lần và cũng có người lần đầu tiên đến nơi này, mặc dù vậy ai cũng muốn đi bộ, dạo quanh cù lao (CL) để thưởng thức không khí trong lành và những cảnh vật mang đậm nét văn hóa sông nước miền Tây. Chúng tôi ghé vào một quán cóc nhỏ, trên đường vào khu lưu niệm Bác Tôn. Phía trong quán có mấy cụ già đang ngồi hàn huyên bên ly cà phê còn nóng hổi.

 

Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại trung tâm thành phố Long Xuyên

Cụ Trần Văn Thanh (77 tuổi), người dân ở CL kể với chúng tôi về truyền thuyết cái tên của CL. Cụ Thanh không nhớ rõ là cái tên Ông Hổ có từ ngày nào, mà chỉ biết rằng khi cụ sinh ra, các bậc tiền nhân ở đây đã gọi cái tên là CLÔH. Cái tên đó xuất phát từ một truyền thuyết từ thuở xa xưa khi CL này còn là một vùng đất hoang sơ, rậm rạp. Trong những người đầu tiên bước chân đến CL này khai hoang mở cõi có một gia đình nông dân trong lúc chống xuồng vượt lũ đã cứu được một con hổ con đang vật lộn trong dòng nước dữ. Người nông dân đem hổ về nhà nuôi và nó trở nên hiền như những con vật nuôi ở trong nhà và sau đó thì vợ chồng người nông dân sinh hạ được một người con gái. Để đền đáp công ơn cứu mạng của người nông dân, con hổ thường vào rừng săn bắt muông thú đem về nuôi những người trong gia đình. Khi lớn lên, người con gái đi lấy chồng, còn vợ chồng người nông dân cũng già yếu rồi chết. Con hổ mang xác hai người chôn ở phía CL lớn rồi nằm canh giữ hai ngôi mộ. Cho đến một ngày, hổ không ăn, không uống và chết bên cạnh ngôi mộ của vợ chồng người nông dân. Cảm động trước tình nghĩa của con vật, người dân đã lập miếu thờ gọi là miếu Ông Hổ. Cái tên CLÔH cũng xuất phát từ đó.

Đang kể chuyện, giọng cụ Thanh bỗng trầm xuống, cụ nói: “Đó chỉ là truyền thuyết, nhưng là một con vật mà có nghĩa có tình chẳng khác nào con người và con người cũng đối xử với con vật có nghĩa có tình. Đó còn là nét đẹp từ ngàn xưa của những người nông dân vùng sông nước chúng tôi đây”. Qua câu chuyện kể của cụ Thanh, chúng tôi thấy nó còn là một thông điệp về tinh thần lao động, ý chí vượt khó của cha ông, đề cao tình nghĩa trong cuộc sống là cái gốc mang đến ấm no, hạnh phúc.

Cù lao giờ đã đổi thay

CLÔH có một CL lớn và một CL nhỏ được chia làm 9 ấp với dân số trên 24 ngàn người. Nếu ngày xưa, đời sống của người dân CLÔH chỉ dựa vào trồng lúa, hoa màu và cây trái thì giờ đây đã đổi khác. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi tư duy, nếp nghĩ đã đem lại một cuộc sống sung túc hơn. Ông Tôn Thiện Tâm, một cán bộ quản lý ở CL cho chúng tôi biết, hiện giờ ở đây ngày càng xuất hiện những mô hình sản xuất hiệu quả như: vườn cây ăn trái, trồng rau an toàn, nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu... Điều đó càng được minh chứng khi chúng tôi tận mắt nhìn thấy xung quanh CL là các bè nuôi cá vây kín, ông Tôn Thiện Tâm cho biết có khoảng trên 300 bè nuôi cá ở đây. Mỗi chuyến phà rời bến Ô Môi đều mang theo trên mình nhiều loại nông sản của CL như: hành, tỏi, rau sạch và nhiều loại trái cây khác đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người dân ở CLÔH còn thay đổi tư duy làm kinh tế để khai thác tiềm năng du lịch ở CL. Ngoài việc được Nhà nước đầu tư, tôn tạo Khu lưu niệm Bác Tôn, người dân ở đây đã mở ra hàng chục ngôi nhà sàn để phục vụ khách tham quan, đó chính là loại hình du lịch cộng đồng hiện đang được các công ty lữ hành hướng đến. Trao đổi với chúng tôi, cụ Trần Văn Thanh cho biết, khoảng 15 năm trước đây vào những buổi tối thì toàn CL chìm trong bóng đêm vì chưa có điện; giao thông chủ yếu là kênh rạch đan xen, đường sá đi lại khó khăn và sình lầy mỗi khi mùa mưa đến. Thế nhưng, khoảng mấy năm gần đây cùng với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương của người dân CL thì bộ mặt nông thôn ở đây đã thay da đổi thịt; giao thông được chỉnh trang, xây dựng nên việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, sản xuất - kinh doanh từ đó càng được đẩy mạnh, phát triển.

Nhớ Bác Tôn

Cứ vào trung tuần tháng 8 hàng năm, người dân ở CLÔH lại long trọng tổ chức kỷ niệm sinh nhật và tưởng nhớ đến cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân ở đây đều có chung một niềm tự hào về Bác Tôn - người đã trọn đời đóng góp cho quê hương, đất nước, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà, nơi đã sinh ra và gắn liền với thời thơ ấu của Bác Tôn. Căn nhà đơn sơ, giản dị mang đậm nét văn hóa của người dân vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Phía trước đối diện với ngôi nhà là Khu lưu niệm Bác Tôn được đầu tư xây dựng hoành tráng và trong đó còn lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật trong suốt thời gian hoạt động cách mạng của Người. Phía sau ngôi nhà, đi qua một khu vườn nhỏ, chúng tôi được đến thăm những ngôi mộ của những người thân trong gia tộc Bác Tôn. Bên trong ngôi nhà ngoài bàn thờ và những bức hình của thân phụ, thân mẫu Bác Tôn, những bức hoành phi... điều làm chúng tôi đáng nhớ nhất khi người hướng dẫn viên giới thiệu đến chiếc sập gỗ ở trước hiên nhà, người hướng dẫn viên nói: “Chiếc sập gỗ này là nơi Bác Tôn đã nghỉ lưng mỗi lần về thăm nhà, khi Bác còn làm công nhân ở Sài Gòn”. Không chỉ những vật dụng mà ngay cả ngôi nhà sàn vẫn được gìn giữ nguyên hình dáng ban đầu, đó là những kỷ niệm còn lại gắn với thời thơ ấu của Bác Tôn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tôn Thành Thái (51 tuổi, cháu đời thứ 3 của Bác Tôn) bồi hồi kể lại: Vào năm 1975 khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đó cũng là lần ông được gặp Bác Tôn là Chủ tịch nước khi đó có dịp về thăm nhà. Ông Thái nói: “Lúc đó, tôi đứng không được gần Bác cho lắm, Bác mặc chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay và chiếc quần bộ đội đã cũ. Bác đi lại nhẹ nhàng quan sát con kênh trước nhà và hỏi thăm từng người trong gia đình. Hình ảnh đó làm cho tôi nhớ mãi đến bây giờ”. Không những vậy, bất kỳ người dân nào ở CLÔH đều biết ít nhiều về Bác Tôn, ngay cả những học sinh lớp 1, lớp 2 cũng có thể kể rành mạch về Bác. Đó không chỉ là niềm tự hào của thế hệ trẻ ở An Giang mà còn là của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam sau này, đối với một người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam.

ĐỖ TRƯỜNG

 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (sinh ngày 20-8-1888, mất ngày 30-3-1980) còn có bí danh là Thoại Sơn, người dân thường gọi với cái tên thân mật là Bác Tôn. Từ năm 1906-1909, ông học trường Kỹ nghệ Viễn Đông sau đó làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Pháp ở Sài Gòn và tổ chức công nhân bãi công vào năm 1912. Sau đó, ông sang Pháp làm công nhân ở Tu-lông và bị bắt lính cho một đơn vị hải quân Pháp. Năm 1920, ông về nước xây dựng cơ sở Công hội là tiền thân của Công đoàn Việt Nam hiện nay. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau gắn liền với các thời kỳ cách mạng của đất nước. Từ năm 1969, ông được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến năm 1980. Ngoài những danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước phong tặng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê-nin do Chính phủ Liên Xô tặng. Tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn được đặt cho một đường phố ở thành phố Odessa của Ukraina.