Về Côn Đảo để thêm yêu Tổ quốc
(BDO)
Đoàn thăm, tặng quà và lắng nghe những câu chuyện trong quá trình hoạt động cách mạng của nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni
Gặp gỡ nữ cựu tù chính trị
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Đoàn khối CQ-DN tỉnh đã chọn Côn Đảo là nơi dừng chân để tổ chức hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - vùng đất linh thiêng nơi có Nghĩa trang Hàng Dương chôn cất hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc; nơi yên nghỉ của chị Võ Thị Sáu - nữ anh hùng dân tộc.
Trong chuyến đi này, Đoàn khối còn tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Lý luận trẻ với chủ đề “Giáo dục lòng yêu nước” rất ý nghĩa tại nhà nữ cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Thị Ni. Bà Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1939, bị giam tại phòng giam số 6, Trại Phú Hải từ năm 1972. Bà đã được trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Trong giây phút trò chuyện thâm tình, những bàn tay siết chặt, ánh mắt xa xăm gợi nhớ những câu chuyện cũ, ký ức những năm tháng nằm gai nếm mật ùa về, bà Ni chậm rãi kể về quá trình hoạt động cách mạng của mình. Sinh ra và lớn lên tại xã Tân Trung (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), những năm 1959-1960 bà tham gia phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và Tiền Giang. Sau đó, bà thoát ly lên Sài Gòn làm biệt động thành.
Đoàn tham quan Bảo tàng Côn Đảo
Năm 1971, trong một trận càn lớn của địch, bà bị chỉ điểm rồi bị địch bắt ở Gò Công. Chúng lần lượt giam bà ở các trại Thủ Đức, Tam Hiệp. Trước sau như một, bà không tiết lộ về cơ sở cách mạng. Mọi đòn roi kẻ địch không thể khai thác được điều gì ở người phụ nữ kiên trung này.
Thế rồi chúng đưa bà ra Côn Đảo hòng đè bẹp ý chí, bản lĩnh của người tù bằng đòn roi, tra tấn hết sức dã man. Với những người tù Côn Đảo, ký ức “địa ngục trần gian” luôn là một phần không thể thiếu trong lẽ sống cuộc đời của họ. Vì tình thương quá lớn với đồng đội đã hy sinh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước bà Ni đã trở lại nơi này. Bà cũng là nữ cựu tù Côn Đảo duy nhất tình nguyện quay về “bám đảo”.
Anh Nguyễn Gia Bảo, cán bộ Đoàn khối CQ-DN tỉnh chia sẻ: Qua câu chuyện của cô Nguyễn Thị Ni, các thành viên trong đoàn đã có một buổi học tập chính trị rất ý nghĩa. Được nghe cách cô chú cùng nhau học tập chính trị trong lao tù đã giúp các thành viên nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn tầm quan trọng của việc học tập chính trị đối với người cộng sản trẻ.
Đồng thời, qua đây giúp cho đoàn viên thanh niên nhận thức được giá trị lịch sử của dân tộc và công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, của đất nước, giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Giáo dục lòng yêu nước, khát vọng cống hiến
Trong hành trình, đoàn còn tham quan Bảo tàng Côn Đảo, các hiện vật được trưng bày và nghe thuyết minh về ý nghĩa, câu chuyện đằng sau các hiện vật lịch sử. Đây là nơi lưu giữ những thăng trầm thời gian, những đau thương đối với người tù cộng sản, vang danh ý chí quyết tâm đấu tranh, một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ, một lòng sắc son vào thắng lợi của cách mạng.
Đoàn cũng tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có Di tích Cầu tàu 914. Đây là một di tích lịch sử linh thiêng. Tại bia tưởng niệm, đoàn thắp hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với những chiến sĩ đã ngã xuống tại nơi này.
Côn Đảo, còn được gọi với nhiều tên khác nhau như Côn Sơn, Côn Lôn... là một quần đảo ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 1-2-1862, Bonnard ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ các tù nhân chính trị Việt Nam, sử dụng hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Dưới chế độ tàn khốc của nhà tù, khoảng 20.000 người Việt Nam đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương. Chính vì sự khắc nghiệt đó mà Côn Đảo từng được mệnh danh là địa ngục trần gian. Năm 1977, Quốc hội họp và quyết định lấy tên chính thức là Côn Đảo, là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Cái tên 914 được đặt cho nơi này để tưởng nhớ 914 người yêu nước đã hy sinh trong quá trình xây dựng cầu tàu. Họ đã bị tra tấn, hành hạ nơi ngục tù. Những người tù nơi đây vẫn phải vượt đường núi đá hiểm trở, vác trên đôi vai tiều tụy những khối đá nặng được đẽo bằng tay.
Nhiều người đã ngã xuống vì kiệt sức và đòn roi cay nghiệt của kẻ thù. Những phiến đá ngổn ngang dưới chân cầu tàu chính là minh chứng cho tội ác vô nhân tính của thực dân Pháp năm xưa.
Anh Biện Tuấn Vũ, Bí thư Đoàn khối CQ-DN tỉnh, cho biết Nhà tù Côn Đảo cũng là “trường học cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Học tập tấm gương của các cô, chú đi trước với tất cả lòng biết ơn và kính trọng, hy vọng sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng cống hiến trong mỗi đoàn viên thanh niên khối CQ-DN, thôi thúc tinh thần xung kích đóng góp ý tưởng, sáng kiến cho “Khát vọng Bình Dương 2030”.
Anh Vũ cho biết thêm thời gian qua, Đoàn hối CQ-DN tỉnh và các cơ sở Đoàn trong khối đã thực hiện hiệu quả mô hình “Hành trình giáo dục truyền thống” cho đoàn viên thanh niên. Thông qua các chuyến về nguồn thăm di tích lịch sử, giao lưu với các mẹ Việt Nam anh hùng, cô, chú cựu thanh niên xung phong, gia đình có công với cách mạng đã góp phần hiệu quả trong việc đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống của tổ chức Đoàn, thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Những câu chuyện, bài học thực tế thông qua mỗi hành trình đã giúp cho mỗi đoàn viên thanh niên nhận thức sâu sắc những bài học lịch sử vô giá. Đó là độc lập dân tộc là vô giá, là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ý thức được trách nhiệm của mình là thế hệ tiếp bước và lan tỏa tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong cơ sở Đoàn của mình.
NGỌC NHƯ - GIA BẢO