Về bức tranh “Chết đứng còn hơn sống quỳ”

Thứ tư, ngày 10/06/2015

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, biết bao người đã ngã xuống hy sinh, biết bao người đã để lại một phần xương máu của mình ở chiến trường, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều tấm gương được tuyên dương ngay tại chiến trường nhưng cũng có những thành tích mà phải nhiều năm sau mới được công nhận. Liệt sĩ Trần Quang Đắp (Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) là một trong nhiều liệt sĩ được tuyên dương sau ngày giải phóng.

(BDO)

 Bức tranh “Chết đứng còn hơn sống quỳ” khắc họa tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Quang Đắp đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 4. Ảnh : LÊ THỊ GẤM

 Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày thành lập (13.6.1966 - 13.6.2013), Sư đoàn 7 và gia đình đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Trần Quang Đắp. Cùng thời điểm này, Bảo tàng Quân đoàn đã được nhận bức tranh “Chết đứng còn hơn sống quỳ” do gia đình tặng. Bức tranh do họa sĩ Võ Xưởng phác họa lại hành động anh hùng của liệt sĩ Trần Quang Đắp, hy sinh ngày 21-11-1967 tại Làng 5, Hớn Quản (Bình Phước). Bức tranh đã thể hiện cho người xem về sự hy sinh anh dũng, lòng gan dạ, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản dù trong hoàn cảnh nào cũng không chịu khuất phục trước họng súng của kẻ thù.

Liệt sĩ Trần Quang Đắp sinh năm 1946, quê xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ tháng 2-1965, sau một thời gian huấn luyện, anh cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, thuộc Đại đội Trinh sát 21, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 với tư cách là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình chiến đấu, anh đã đưa nhiều đoàn cán bộ đi trinh sát địa hình, trận địa giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đồng đội của liệt sĩ Trần Quang Đắp kể lại: Sáng ngày 21-11-1967, Đại đội Trinh sát 21 được giao nhiệm vụ dẫn đoàn cán bộ 20 người đi nghiên cứu địa hình. Khi đoàn đi đến Làng 5, Hớn Quản, gặp 2 đại đội Mỹ - ngụy. Ngay lập tức, đơn vị triển khai đội hình chiến đấu, Đại đội trưởng Phùng Bá Thảo bị thương, tình thế nguy cấp, quân địch lại quá đông, đồng chí Trần Văn Tính đề xuất cần đánh lạc hướng địch để đoàn cán bộ rút. Anh Trần Quang Đắp bèn chạy ra hướng khác, dùng AK bắn liên hồi để thu hút địch. Đồng chí Thảo và đoàn cán bộ rút về sau an toàn. Lúc này, anh Đắp bị thương nặng nhưng vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi hết đạn, đồng chí đã đập nát cây súng để vũ khí không rơi vào tay quân thù. Bị địch bắt, tra tấn rất dã man nhưng đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Trước lúc bị sát hại, anh đã nhìn thẳng vào mặt kẻ thù và nói: “Tao là quân giải phóng, tao không biết khai chỉ biết đánh bọn mày”. Sau khi địch rút, dân làng đã chôn cất anh, ai cũng vô cùng khâm phục về một tấm gương hy sinh anh dũng của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua 1967-1968, Sư đoàn 7 đã tuyên dương hành động anh hùng của liệt sĩ Trần Quang Đắp và tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì. Cả trung đoàn phát động phong trào học tập gương chiến đấu của đồng chí. Đoàn Văn công Sư đoàn 7 đã xây dựng vở kịch: “Chết đứng hơn sống quỳ”. Cảm phục hành động của anh, họa sĩ Võ Xưởng đã vẽ bức tranh tả lại tấm gương chiến đấu lẫm liệt này. Bức tranh mô tả cảnh anh Trần Quang Đắp hai tay bị trói ra sau vào gốc cao su, đầu anh hơi cúi xuống như nén cơn đau, khuôn mặt đanh thép thể hiện sự cương quyết, ánh mắt nảy lửa nhìn thẳng vào tên địch đầy vẻ căm thù, khinh bỉ. Trên áo anh in rõ vệt máu của vết thương…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hành động anh hùng, tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Quang Đắp còn sống mãi với đồng đội, với thế hệ mai sau. Hiện nay bức tranh “Chết đứng còn hơn sống quỳ” đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 4 đã cuốn hút và gây xúc động mạnh mẽ đối với nhiều khách tham quan.

 LÊ THỊ GẤM