Về Bình Nhâm trước thềm xuân

Thứ bảy, ngày 25/01/2014

   Hệ thống giao thông tại Bình Nhâm được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong ảnh: Đường Bình Nhâm 49

 Bình Nhâm giờ đây đã đổi thay nhiều. Những tuyến đường trục chính đã và đang dần được nhựa hóa. Các công trình điện, trường, trạm cũng đã được đầu tư khang trang, hiện đại. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm Phạm Phú Nam, cho biết Bình Nhâm nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đã đầu tư rất nhiều cơ sở hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn. “Hiện nay, chúng tôi đã làm được thêm 6 tuyến đường nối liền các ấp với nhau.

Bên cạnh đó, trường Tiểu học Bình Nhâm đã được đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 và sắp tới đây sẽ thực hiện xây dựng trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ đạt chuẩn quốc gia với tổng diện tích xây dựng là 14.000m2. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Bình Nhâm đã nhận nghị quyết để chuyển từ xã lên phường. Đây cũng là quá trình chuẩn bị nhiều năm của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Nhâm. Sau khi có nghị quyết, Đảng bộ và nhân dân xã rất phấn khởi, đang chờ ngày công bố và hoạt động”, ông Nam cho biết thêm.

Kinh tế Bình Nhâm đang chuyển dịch mạnh bằng việc giảm tỷ lệ nông nghiệp và tăng tỷ lệ thương mại dịch vụ. Thương mại dịch vụ tại Bình Nhâm đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh, buôn bán phong phú. Tuy vậy, Bình Nhâm được biết đến là vùng đất của những vườn trái cây truyền thống. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho các hộ dân, các vườn cây này còn mang những dấu ấn sâu sắc về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Chính vì vậy, các hộ dân quyết tâm giữ lại những vườn măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, sầu riêng mà ông bà đã để lại.

UBND tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ việc khôi phục và phát triển vườn cây ăn trái tại Thuận An. Chính sách này đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Ông Nguyễn Văn Lương, chủ vườn măng cụt tại ấp Bình Đức, cho biết: “Nhận được sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành, tôi đã tập trung khôi phục lại vườn cây của mình. Nếu có phương án sản xuất kết hợp với các hoạt động du lịch thì các vườn cây tại đây sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn”. Bình Nhâm cũng đã thực hiện quy hoạch phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn. Hiện tại đã có dự án nghỉ dưỡng nhà vườn biệt lập được tiến hành thực hiện. Loại hình dịch vụ này được xem là tiềm năng và lợi thế lớn của Bình Nhâm.

Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân Bình Nhâm cũng đã được nâng lên thấy rõ. Ông Phạm Phú Nam cho biết thêm, đó là kết quả tất yếu của quá trình đầu tư đồng bộ và lâu dài của các cấp, các ngành, người dân ngày càng được thụ hưởng những công trình tốt hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Bình Nhâm còn rất thấp, chỉ còn 26 hộ. Các cấp chính quyền xã cũng luôn luôn quan tâm công tác chính sách, từ thiện xã hội.

Tuy vậy, Bình Nhâm vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là vẫn còn 42 hộ chăn nuôi heo tập trung với số lượng lớn gây ảnh hưởng đến môi trường và tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số kênh, rạch vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo ông Phạm Phú Nam, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện triệt để vấn đề tại các hộ chăn nuôi, đã thành lập đoàn kiểm tra và trong thời gian tới sẽ kiên quyết tiến hành xử lý nếu các hộ dân không tuân thủ quy định. “Bình Nhâm sẽ chính thức trở thành đô thị trong nay mai, mọi vấn đề nhằm hạn chế sẽ được giải quyết triệt để nhằm phát triển xứng tầm”, ông Nam khẳng định.

 ĐÀ BÌNH