Vay tiêu dùng: Cẩn trọng vẫn hơn

Thứ năm, ngày 16/04/2015

Bài 1: Phần thiệt về người đi vay?

(BDO) Với đặc thù là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, Bình Dương trở thành điểm đến của nhiều ngân hàng, công ty tài chính tham gia thị trường cho vay tín chấp. Đối tượng được nhắm đến nhiều nhất là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, tham gia vay tiêu dùng, người vay cần tính toán kỹ để không chịu thiệt (ảnh chỉ có tính minh họa)

Coi chừng “bẫy” vay tiêu dùng

Dịch vụ này đang là cứu cánh cho số đông công nhân đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Với số tiền được vay ít nhất là 5 triệu đồng, nhiều nhất 500 triệu đồng, phần đông lao động bình dân (có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên) có điều kiện tiếp cận nguốn vốn vay để chi trả cho nhu cầu mua sắm, sửa chữa nhà hay chi trả cho chi phí khám chữa bệnh hiểm nghèo… Tuy nhiên, để lựa chọn gói vay hợp lý, đủ khả năng chi trả không làm mất cân đối thu chi hàng tháng là bài toán không phải ai cũng đủ tỉnh táo để không rơi vào tình cảnh khủng hoảng vì nợ vay tiêu dùng

Anh Trần Thành Tiến, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An cho biết, gia đình anh đang lâm vào khủng hoảng vì khoản vay tín chấp. Với thu nhập cả hai vợ chồng (làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2) hơn 12 triệu đồng/ tháng, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho 2 vợ chồng và 1 đứa con gồm: tiền thuê nhà, điện nước, học phí, tiền chợ… hết 10 triệu đồng. Anh được một công ty tài chính đóng tại Bình Dương tư vấn cho vay số tiền 30 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Số tiền này anh gửi về quê cho mẹ xây nhà. Thấy lãi suất thấp, vì nếu anh vay nóng ở chỗ khác lãi suất thấp nhất cũng lên đến 5%/tháng, có nơi lên đến 20%. “Với mức trả góp hơn 1 triệu đồng/tháng (cho tiền vốn và lãi), tôi nghĩ mình dễ dàng trả nợ cho công ty tài chính, nhưng đến khi vợ bị tai nạn giao thông thì gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc”, anh Tiến than thở.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do bị tai nạn giao thông nên vợ anh Tiến phải nghỉ làm, khoản tiền lương công nhân của chị cũng không còn. Giờ đây, gia đình chỉ còn mình anh có thu nhập. Tiền lương anh không đủ trả chi phí sinh hoạt, thậm chí anh vay trả góp hàng ngày (lãi suất 20%/tháng) để trả nợ cho công ty tài chính.

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam manh nha từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ gói gọn cho vay trong đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng chứ chưa có sản phẩm chuyên biệt. Đến những năm 2000, cho vay tiêu dùng bắt đầu nở rộ dưới hình thức cho vay mua xe máy, ô tô và sản phẩm gia dụng (điện tử, điện lạnh…). Đó là hình thức NHTM trả tiền trước cho đơn vị bán hàng lên đến 80% giá trị sản phẩm, người mua sẽ phải thanh toán khoản vay và lãi cho ngân hàng. Đến khoảng năm 2006, cho vay tiêu dùng tín chấp mới thực sự trở thành sản phẩm bán lẻ quan trọng mà các NHTM đang cố gắng khai thác thị trường

 

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Bình Dương cho biết, đặc thù của tỉnh Bình Dương là tập trung đông công nhân nên nhiều ngân hàng tập trung triển khai vay tiêu dùng. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng đã nghiên cứu rất kỹ đối tượng khách hàng mà mình hướng tới để đưa ra mức cho vay và lãi suất hợp lý nhất. Tuy nhiên, về phía người đi vay cũng nên tính toán kỹ từng khoản chi tiêu trong gia đình, nhất là cần đề phòng các trường hợp bệnh hoạn, ốm đau, tai nạn… để lựa chọn các khoản vay phù hợp mà không sợ thâm hụt tài chính gia đình dẫn đến khả năng không trả nợ nổi.

“Mê cung” cho vay tín chấp

Như đã nói, ngoài các ngân hàng có tên tuổi, có uy tín đang triển khai mô hình công ty tài chính để nhắm đến thị trường cho vay tín chấp, tín dụng cho vay tiêu dùng cũng thu hút khá đông các công ty nhỏ lẻ khác, một số núp bóng dưới hình thức liên kết với một ngân hàng thương mại. Chỉ cần đánh từ khóa “cho vay tiêu dùng tại Bình Dương” thì ngay lập tức có đến hàng chục trang web chuyên cung cấp dịch vụ cho vay tín chấp. Cá biệt, có những công ty lập wesite giới thiệu liên kết với hàng chục ngân hàng lớn nhỏ để thu hút người đi vay tiêu dùng tín chấp. Nhưng phần đông các công ty này “mạo danh” liên kết để thu hút khách hàng cho vay.

Cho vay tín chấp hiện nay chủ yếu dựa vào 3 hình thức: cho vay theo hợp đồng lao động, cho vay theo hóa đơn tiền điện và cho vay theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Điều kiện và thủ tục đơn giản và giải ngân trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, đối với một số công ty cho vay khác thậm chí điều kiện còn đơn giản hơn nhiều.

Trong vai người đi vay, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0937xxx nhân viên một công ty tài chính tại Bình Dương thì được tư vấn, chỉ cần giấy CMND và hộ khẩu là có thể vay số tiền 20 triệu đồng. Lãi suất công ty áp dụng là 3%/ tháng, tức 36%/năm. Tư vấn viên này đề cập thẳng vấn đề, nếu chịu chi tiền trà nước cho anh ta thì hợp đồng cho vay này sẽ được duyệt và giải ngân ngay trong ngày.

Để lách luật, một số ngân hàng tên tuổi cũng như các công ty cho vay tín chấp sẽ khống chế lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Đây là lỗ hổng rất lớn của hệ thống luật ngân hàng Việt Nam… Khoảng cách lãi suất cơ bản và lãi suất áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự chênh nhau quá lớn và người tiêu dùng, cá thể đi vay sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Đơn cử trường hợp mới đây nhất, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh rất bối rối khi thụ lý hồ sơ thưa kiện của đương sự N.Q.H. về việc Công ty TNHH MTV PPF (Home Credit) áp dụng mức cho vay tín chấp tiêu dùng lãi suất lên đến 40%/năm. Nhiều khả năng đương sự này sẽ thua kiện vì lãi suất Home Credit áp dụng vẫn chưa vượt qua 10 lần lãi suất cơ bản mà Nhà nước quy định. (Còn tiếp)

 

Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Theo quy định của khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất “chuyên bóc lột” của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: Người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và tiền thu được từ việc phạm tội làm nguồn sống chính của mình.

PHÙNG HIẾU

Từ khóa: