Vật tư nông nghiệp tăng giá: Nông dân càng thêm khó!

Thứ hai, ngày 22/11/2010

Thời gian cuối năm hầu như các mặt hàng đều tăng giá, trong đó cũng không loại trừ các loại vật tư nông nghiệp, phân bón. Trong thời điểm các loại cây trồng bước vào vụ tết hiện nay,  người nông dân đã khó lại càng thêm khó!

Tăng gánh nặng

Trong sản xuất nông nghiệp việc đầu tư phân bón có ý nghĩa rất quan trọng để tăng năng suất cây trồng. Trước tình hình giá phân bón các loại tăng cao như thời gian qua, việc sản xuất của nông dân lại thêm phần khó khăn vì mức chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao. Theo nhận định của nhiều nông dân thì chưa bao giờ giá phân bón diễn biến thất thường như hiện nay. Ông Năm, một người trồng rau tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết: “Cũng một diện tích trồng rau như năm ngoái nhưng năm nay chi phí đầu tư của tôi lại phải cao hơn. Trong thời điểm gần tết mà giá phân bón cứ tăng cao vùn vụt như vậy, người nông dân lại thêm gánh nặng về chi phí”.

 

Các loại vật tư nông nghiệp tăng giá làm tăng thêm gánh nặng cho người nông dân

Không riêng gì phân bón mà hầu như tất cả các loại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng giá. Trong đó nặng nhất đối với nông dân là phân bón. Hiện nay, hầu hết các loại phân bón có giá tăng đều có nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Trên địa bàn Phú Giáo, nơi có mô hình kinh tế trang trại phát triển thì 2 loại phân bón đang có sự biến động nhiều nhất là DAP, urê và đây cũng là 2 loại phân được dùng phổ biến trong các trang trại. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian chưa đầy 1 tháng, giá phân DAP bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp giá tăng từ 650.000 đồng/bao lên mức 670.000 đồng/bao; phân urê cũng đã tăng từ 450.000 đồng/bao lên mức 500.000 đồng/bao. Ông Phùng Văn Thức, chủ trang trại tổng hợp tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho biết: “Người nông dân sản xuất trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn vì giá trị của sản phẩm nông nghiệp không tăng trong khi đó đầu vào là các loại vật tư nông nghiệp và phân bón lại tăng cao. Tình hình này bắt buộc những người nông dân phải giảm mức đầu tư vào các loại cây trồng nhưng các loại vật nuôi như gà, cá, heo thì không thể giảm lượng thức ăn của chúng được”.

Cần sự bình ổn

Không riêng gì người nông dân đang gặp khó khăn mà ngay cả các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp cũng đang ở vào thế đứng ngồi không yên. Chủ một đại lý bán vật tư nông nghiệp tại huyện Bến Cát cho biết: “Giá cả cứ “nhảy nhót” như hiện nay nên các cửa hàng phân bón cũng không dám nhập về quá nhiều cùng một loại phân. Hiện nay, hầu hết các cửa hàng đều phải vừa bán vừa nghe ngóng để có các mức tính toán cho thật hợp lý. Không biết sẽ còn có loại vật tư nào tăng cao như phân bón nữa không”.

Thời điểm hiện nay nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã vào vụ tết cũng như bước vào đỉnh điểm của mùa vụ. Để có thể đạt được năng suất và chất lượng cao đòi hỏi người nông dân phải đầu tư để đạt được lợi nhuận cao nhất. Đây là bài toán khó đòi hỏi người nông dân cần phải tính toán cho phù hợp với tình hình sản xuất trong từng thời kỳ cụ thể. Với các loại cây trồng vật nuôi nếu không được đầu tư đúng mức thì chất lượng sẽ giảm và kéo theo đó giá cả cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Với những nông dân đầu tư sản xuất mà phải vay tiền ngân hàng hay mua thiếu tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp thì thời điểm hiện tại lại càng khó khăn hơn nhiều vì mức đầu tư không tỷ lệ thuận với giá trị đạt được. Ông Thức cho biết thêm, hiện tại nông dân rất cần sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn để bình ổn giá cả của các loại vật tư nông nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Nhiều người nhận định nguồn ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ trong thời gian qua liên tục biến động nên nhà nhập khẩu phân bón thiếu hàng dự trữ dẫn đến cung hụt cầu. Nếu không kịp thời giải quyết sớm thì sẽ gây bất lợi lớn cho sản xuất của nhà nông.

Trong tình hình hiện tại, nhiều nông dân cho rằng, trước khi có sự can thiệp của cơ quan chuyên môn thì người nông dân cần tự cứu mình bằng việc tính toán đầu vào cho hợp lý cũng như sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật thật phù hợp để tránh lãng phí.

ĐÀ BÌNH