Vào mùa kiệu tết
(BDO) Lâu nay cây kiệu đã gắn bó với đời sống của người dân phường Hiệp An (TP. Thủ Dầu Một). Kiệu ở đây củ trắng, đẹp, thơm giòn nên rất được thị trường ưa chuộng. Theo các hộ trồng kiệu ở phường Hiệp An, kiệu là cây ưa ẩm, thích hợp với đất cát pha nhiều mùn; bình quân 1kg kiệu giống nông dân thu được 12kg kiệu thương phẩm. Năm nay, do thời tiết nắng mưa thất thường nên việc xuống giống gặp nhiều khó khăn so với những năm trước. Kiệu giống được nông dân địa phương mua tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân phường Hiệp An đang chăm sóc kiệu phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ông Đoàn Văn Lập là người trồng kiệu lâu năm tại phường Hiệp An. Ông Lập chia sẻ, kiệu là món ăn truyền thống được ưa chuộng trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Không phải mua kiệu giống về là có thể xuống giống ngay, mà cần trải qua nhiều công đoạn như đập đất, cắt ngọn, phơi giàn rồi mới chuẩn bị đất để xuống giống. Do kiệu tết thường dễ mắc bệnh hơn kiệu mùa nên nông dân phải thường xuyên thăm đồng để có cách chăm bón phù hợp. Diện tích trồng kiệu của gia đình hiện tại hơn 2.000m2, kiệu đã được xuống giống từ cuối tháng 9 âm lịch để kịp phục vụ cho thị trường tết năm nay. Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một cho biết, mùa kiệu tết đang cận kề nên nông dân địa phương rất mong thời tiết thuận lợi hơn, giá cả thu mua tăng lên để người dân có thu nhập ổn định.
Theo các hộ trồng kiệu ở Hiệp An, năm nay mưa nhiều khiến cho vườn kiệu của nhiều gia đình bị ngập úng, cùng với đó sâu bệnh hại phát triển nên năng suất kiệu giảm hơn so với các năm trước. Vào thời điểm này một số hộ trên địa bàn phường đã trồng kiệu đến tháng thứ 3 và đang chuẩn bị cho thu hoạch đợt kiệu lỡ trước tết. Tuy thế bà con vẫn rất lo lắng vì kiệu đã trồng được 3 tháng nhưng do ngập úng nên củ kiệu còn nhỏ, lá không đều cho nên khách hàng từ chối. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, ở khu phố 9, phường Hiệp An cho biết, hiện đã gần đến thời điểm thu hoạch nhưng do thời tết thất thường nên vườn kiệu của gia đình bị ngập úng, dẫn đến năng suất giảm so với mọi năm. Gia đình chỉ mong thời tiết thuận lợi hơn, kiệu bán được giá để đủ trang trải cuộc sống.
Nhiều hộ nông dân ở đây cho biết, trồng kiệu có lời hay không còn phù thuộc vào giá cả của giống kiệu ban đầu và giá cả sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố cung - cầu của thị trường. Hiện nay, với giá bán bình quân 12.000 - 15.000 đồng/kg trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng kiệu có lãi vài triệu đồng/vụ; còn thời tiết không thuận lợi, cộng thêm sâu bệnh và năng suất không đạt thì coi như lỗ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp An cho biết, năm nay thời tiết không được thuận lợi nên năng suất kiệu không được cao. Tuy nhiên, nông dân ở đây vẫn gắn bó với cây kiệu vì muốn duy trì nghề truyền thống của địa phương. Ngoài trồng kiệu, nông dân địa phương còn chuẩn bị một số loại rau ăn lá, ăn quả phục vụ cho nhu cầu dịp tết như dưa leo, khổ qua, đậu rồng… Hiện diện tích gieo trồng các loại rau vụ mùa phục vụ dịp Tết Đinh Dậu sắp tới của bà con trong phường đạt hơn 10 ha.
QUỲNH NHIÊN