“Vàng trắng” bị đầu độc!

Thứ ba, ngày 27/09/2011

Vào giữa tháng 8, trên địa bàn 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước rộ lên thông tin một số thương lái sử dụng một thứ bột hóa chất “lạ” pha vào mủ nước cao su (CS) nhằm tăng khối lượng mủ nước, thu lợi bất chính. 

 

Các cơ sở thu mua mủ cao su tiểu điền không thể phát hiện chất muối S pha trộn trong mủ nước

Sau đó, Hiệp hội CS Việt Nam đã lấy mẫu hóa chất này chuyển cho Viện Nghiên cứu CS Việt Nam nhờ phân tích xét nghiệm xem đó là chất gì? Ngày 26-8-2011, Viện Nghiên cứu CS Việt Nam đã có văn bản phúc đáp cho Hiệp hội CS Việt Nam biết đó là một loại muối hóa học dùng trong công nghiệp (gọi tắt là muối S).

“Nếu tính cho 1.000kg mủ nước, giá 1 độ TSC là 550 đồng với 100 lít dung dịch muối S, giá bán tại khu vực Phước Hòa là 5.000 đồng/kg muối S thì kết quả như sau: Nếu pha dung dịch muối S với nồng độ 10% thì khách hàng thu lợi bất chính là 393.300 đồng, nồng độ 15% thì thu được 705.050 đồng, 20% là 817.400 đồng, 30% là 951.650 đồng và nếu pha 40% thì thu lợi đến 1.312.500 đồng”.

(Nguồn: Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa)

 

Theo một chuyên gia ngành CS, nếu như các loại tạp chất khác như thạch cao, bột trét tường, đất sét trắng, đường, muối... chỉ làm tăng khối lượng hoặc hàm lượng CS, thì loại muối S này nguy hiểm ở chỗ sẽ làm cho mủ CS bị sống ở bên trong và làm cho màu mủ CS bị biến dạng (màu đen, xám), khiến chất lượng CS nguyên liệu suy giảm nghiêm trọng.

Điều đáng nói, nguy hại là thế nhưng muối S này rất khó có thể bị phát hiện bởi các biện pháp thông thường và cũng khó bị loại bỏ khi dùng các biện pháp lọc rửa. Thế nhưng, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ thông tin giữa ngành CS Việt Nam với các ngành chức năng địa phương nên đến nay, loại muối đó vẫn được mua bán tràn lan trên thị trường, không ai kiểm tra quản lý. 

Theo tiết lộ của một thương lái chuyên mua bán mủ CS tiểu điền, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), nơi nổi tiếng bán đủ loại hóa chất thượng vàng hạ cám có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đến cửa hàng Q.D nằm ngay đầu dãy ki-ốt bên hông con hẻm, chúng tôi hỏi mua muối S về pha vào mủ CS. Một nữ nhân viên bán hàng lấy ra một bịch nylon đựng chất bột màu trắng mịn giống như muối i-ốt và nói: “5.000 đồng/kg bán lẻ. Nếu mua nhiều với số lượng lớn từ vài tạ trở lên thì 4.000 đồng/kg, một bao 50kg giá 200.000 đồng”.

 

Một bao muối S 50kg này bán tại chợ hóa chất Kim Biên (Q.5, TP.HCM) với giá 200.000 đồng do Trung Quốc sản xuất (tên và công thức hóa học đã được xóa)

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cách pha chế vào mủ nước CS như thế nào thì cô này bảo nên hỏi chủ cho chắc ăn. Nhưng khi tôi ngỏ ý nhờ ông chủ người Hoa hướng dẫn thì ông lắc đầu lia lịa: “Ngộ chỉ biết bán, còn mua về pha chế thế nào thì các “lị” làm lấy, ngộ hổng biết”.

Ngoài cửa hàng Q.D, còn nhiều cửa hàng khác đều bán muối S. Tại cửa hàng D.K, khi nghe chúng tôi băn khoăn liệu có đúng loại muối này dùng để pha vào mủ CS nước hay không, nhân viên ở đây chỉ vào bao bì bao 50kg nói giọng quả quyết: “Đúng nó rồi. Hàng ngày, tụi em bán cho mấy người từ Bình Dương, Bình Phước lên mua cả tấn đó!”.

Té ra, hóa chất “lạ” đã và đang làm đau đầu cho ngành CS lại đang được bày bán công khai như thế. Ở chợ “đầu mối” như vậy là đã rõ? Còn ở nông thôn, tại những vùng đất trồng CS thì mua bán như thế nào?

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tiếp tục lên đường về xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) - nơi có thông tin có nhiều cơ sở mua đi, bán lại muối S. Trong vai một người mua mủ CS nhỏ lẻ, chúng tôi tìm đến một tiệm tạp hóa nằm trên quốc lộ 13, thuộc tổ 4, ấp 1B, xã Phước Hòa. Gặp chị chủ tiệm, chị bảo: “Em của chị tên Sơn, nhà kế bên có bán muối S, chứ chị không bán”. Chúng tôi tìm đến căn nhà của Sơn, bên ngoài khóa trái cửa, phía trước đang có một chiếc xe tải nhỏ đậu chờ sẵn. Chúng tôi lập tức gọi cho Sơn bằng “sim rác”. Qua điện thoại, Sơn bảo chúng tôi chờ một lát, vợ Sơn tên là Hoa sẽ về bán cho.

Không phải đợi lâu, chị Hoa về và đon đả dẫn chúng tôi vào nhà. Ngay sau cánh cửa là khoảng 4 - 5 bao muối S, loại 50kg mà chúng tôi trông thấy tại chợ Kim Biên. Khi nghe chúng tôi hỏi cách pha trộn thế nào thì chị này nhiệt tình chỉ dẫn: “Nhớ nè, dùng nửa bao này, tức 25kg pha với 30 lít mủ nước từ đêm hôm trước, vừa pha vừa khuấy đều cho muối tan ra. Để nguyên một đêm đến buổi sáng hôm sau, lúc thu mua mủ xong, chuẩn bị bán cho nhà máy thì loại bỏ phần cặn lắng xuống đáy, pha 30 lít nước này vào 1 tấn mủ nước (tức 1.000 lít mủ nước) rồi mang bán”.

Như vậy, 1.000 lít mủ CS nước sẽ được pha trộn với 30 lít nước có chứa muối S đã ngâm qua một đêm. Cũng theo chị Hoa, dùng muối S sẽ tăng khối lượng, nếu 1.000 lít mủ nguyên chất sẽ thành 1.030 lít, thu lợi bất chính 30 lít. Chị cẩn thận dặn thêm: “Đừng trút luôn cặn lắng dưới đáy vào đó, bởi khi nướng mủ kiểm tra đo nồng độ sẽ bị phát hiện ngay”.

Chị Hoa ra giá một bao 50kg bán 300.000 đồng, tức 6.000 đồng/kg mà chỉ bán nguyên bao, không bán lẻ (trong khi mua tận gốc có 200.000 đồng/bao). “Ở đây người ta mua hà rầm. Mua số lượng lớn trên 10 bao thì tui đưa xe chở tận nơi cho”.

Theo tìm hiểu chúng tôi, trước đây ở khu vực này chỉ có DNTN S.H mua bán loại muối S, sau đó các cơ sở thu mua mủ khác như M.L, D.T... kể cả một số cửa hàng cung cấp vật tư CS, điểm bán CS giống ven quốc lộ 13 cũng nhảy vào kinh doanh theo vì siêu lợi nhuận. 

“Trước đây, người ta mua cái này về rửa chén mủ, sau đó chính những người mua mủ họ chỉ cho mình biết, chứ có ai biết đâu. Giờ em chỉ chạy xe tải nhỏ mua về mỗi lần 5 - 10 bao, bà con xung quanh ai mua thì bán lại 1 - 2 bao. Trong khi đó, cơ sở M.L  họ cho xe xuống TP.HCM mua mỗi lần 5 - 10 tấn bán “giật” hết mối của em, nên giờ hàng em ế ẩm tồn kho gần 10 bao” - anh Sơn, chủ DNTN S.H cho biết thêm.

Điều đáng nói là, mặc dù muối S đang bày bán công khai trong dân nhưng đối với các cơ quan chức năng quản lý địa phương thì muối S ra sao, nó làm tăng khối lượng mủ nước CS như thế nào vẫn chưa thể xác định được. Một đại diện Đội Quản lý thị trường huyện Phú Giáo cho hay: “Tôi có nghe thông tin này nhưng không xác định là hóa chất gì. Việc này cần phải có cơ cơ quan chức năng như Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học -Công nghệ) lấy mẫu kiểm tra xác định đó là chất gì, sau đó là phải có sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên, thành lập đoàn thì chúng tôi mới đi kiểm tra được, chứ quản lý thị trường huyện không thể làm “lấn sân”. Nên nhớ, muối S là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong ngành sản xuất chất tẩy rửa, dệt may, ngành thủy tinh và sản xuất giấy nên các đơn vị, cá nhân nào kinh doanh loại muối này phải có giấy phép của Sở Công Thương.

Thế nên, việc thiếu quan tâm, kiểm soát của các cơ quan chức năng đã vô tình tiếp tay cho nạn làm ăn gian dối. Hậu quả không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp chế biến mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín cho hàng vạn hộ nông dân trồng CS tiểu điền hiện nay.

 

Chất trắng lạ sẽ gây khó

khăn cho hộ tiểu điền

Vườn CS tiểu điền đang vào mùa thu hoạch rộ. Giá mủ rớt nhiều, chủ vườn bắt đầu lo lắng. Anh Trần Văn Trận, người dân ấp An Hòa, xã Hòa Lợi (Bến Cát) cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi cạo được gần 50kg mủ. Giá mủ CS đang đứng mức cao 900 đồng/độ thì thu ngoài 1 triệu đồng. Thế nhưng chưa hết mừng, giờ lại lo. Lo hơn là ngày nào, thương lái cũng thông báo giá mủ có xu hướng giảm vì chất bột trắng”. Anh Trận nói thêm lâu nay, hầu như anh chỉ biết thức khuya, dậy sớm cạo, trút mủ đem bán chớ có biết chất gì đâu. Có chăng, anh chỉ mua thuốc moniac cho vào chống đông, nhưng chất này vẫn cho phép.

Anh Trần Văn Lô, người dân trong ấp An Hòa đề nghị, Nhà nước cần vào cuộc, xử lý nghiêm những hộ và thương lái sử dụng chất bột trắng này. Điều cần thiết là quản lý thị trường phải tìm và tịch thu; đồng thời xử lý nghiêm đối với những người tàng trữ và sử dụng chất bột trắng cho vào mủ CS.

 

ĐỖ QUYÊN - HÒA NHÂN