Câu lạc bộ đờn ca tài tử dầu tiếng:
Vang mãi tiếng đờn, lời ca
(BDO) Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn mãi trong mỗi người dân Bình Dương nói chung, những người mộ điệu nói riêng. Đặc biệt, nó mãi in đậm trong tâm trí các thành viên Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện Dầu Tiếng khi góp phần cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ khác đạt được nhiều huy chương về cho địa phương.
Nói về những ngày diễn ra Festival, trong ánh mắt và nụ cười của các tài tử đờn, tài tử ca của CLB ĐCTT Dầu Tiếng vẫn còn ánh lên niềm hạnh phúc khi được cùng hòa đờn, cất cao tiếng hát phục vụ nhân dân trong không gian ĐCTT Bình Dương. Cô Lê Trần Phương Thảo (nghệ nhân Thanh Thảo), Chủ nhiệm CLB ĐCTT Dầu Tiếng nói: Đối với không gian ĐCTT, CLB ĐCTT Dầu Tiếng được chọn là đơn vị chủ đạo nên phải có mặt liên tục phục vụ nhân dân từ ngày 8 đến 12-4, trong đó chủ yếu là ban đờn của huyện. Bởi vậy, tuy cứ mỗi buổi chiều các cô chú lại rủ nhau xuống không gian, khuya khi mọi người say giấc nồng thì cả đoàn lại quay trở về với gia đình. Riêng trong đêm chấm điểm không gian ĐCTT, CLB ĐCTT Dầu Tiếng với ban đờn, người ca đã thể hiện tốt góp phần giúp Bình Dương đoạt HCV. “Đó là niềm hạnh phúc không gì có thể tả được, có lẽ nó sẽ đi cùng chúng tôi trong suốt cuộc đời”, cô Thảo bộc bạch.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân CLB ĐCTT Dầu Tiếng chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại không gian ĐCTT
Ngoài tham gia không gian ĐCTT, các thành viên CLB ĐCTT Dầu Tiếng còn cùng nhau tập luyện với các nghệ nhân ưu tú (NNƯT) của CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để xuất sắc giành 1 HCV, 2 HCB tại Liên hoan ĐCTT quốc gia trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017. Điển hình với chiếc HCV nội dung Ca ra bộ “Bình Dương ngời sáng niềm tin” (Tây Thi 26 câu) do Trần Phong và NNƯT Thu Hồng trình bày. Tiếp đến là HCB của các nghệ sĩ Bích Trâm, Thanh Thảo của Dầu Tiếng cùng với NNƯT Thu Hồng đoạt được trong tiết mục “Tự hào cung điệu quê hương” (Liên Nam) do Trần Phong sáng tác. Không dừng lại ở đó, Dầu Tiếng còn có ban đờn với đầy đủ nhạc cụ đã xuất sắc giành chiếc HCB thứ 2 cho đoàn Bình Dương tại Liên hoan ĐCTT với tiết mục hòa tấu Ngũ đối hạ 20 câu của 4 tài tử đờn là Tấn Thành (đờn kìm), Văn Thanh (đờn tranh), Quốc Việt (đờn ghita) và Hoàng Tín (đờn cò).
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Thanh Thảo nói tham gia Festival ĐCTT, những thành viên được chọn biểu diễn, thi thố đều nỗ lực tập luyện. Mỗi tối, tiếng đờn, lời ca lại cất lên, rồi sau mỗi lần hát, các thành viên lại góp ý cho nhau những chỗ cần chỉnh sửa để lời ca thêm ngọt ngào, tiếng đờn thêm trong trẻo. Còn trong những ngày diễn ra liên hoan ĐCTT, cả đội không chủ quan mà tự nhắc mình, quê hương Bình Dương tuy “sinh sau đẻ muộn” về ĐCTT nhưng cũng sẽ có những tiết mục xuất sắc trình làng. Và đây cũng là cơ hội tốt để mọi người học hỏi kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu của loại hình nghệ thuật tài tử. Còn đến với không gian ĐCTT, những người được giao nhiệm vụ đờn, hát đều “cháy” hết mình để đem tiếng đờn, lời ca phục vụ du khách. Mục đích “ru” du khách vào giấc mơ đẹp của mỗi cung bậc cảm xúc của tài tử để yêu, để tìm đến với tài tử và cùng nhau lưu giữ, phát huy nghệ thuật ĐCTT.
CLB ĐCTT Dầu Tiếng được thành lập từ năm 2000 do những người yêu thích tập hợp lại đờn ca. Từ số lượng ban đầu chỉ có khoảng 10 người nay đã lên đến 30 người. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần tại nhà riêng các thành viên, ở các xã, thị trấn trong huyện; đồng thời thường xuyên đi giao lưu với CLB các tỉnh bạn.
Festival đã qua, với những kết quả đạt được tại đây các nghệ nhân, nghệ sĩ Dầu Tiếng không “ngủ vùi” trong chiến thắng mà đặt quyết tâm lấy đó là động lực để tiếp tục “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ. Cũng từ đây, mỗi đêm khi ánh đèn bật sáng, sau những ngày làm việc mệt mỏi, các cô chú lại tập hợp để cùng nhau ca hát. Các cô chú mong muốn rằng, sau này khi ai đó vô tình ghé đến Dầu Tiếng đêm đêm sẽ nghe văng vẳng tiếng đờn, lời ca các bài bản tài tử để thấy được sự phát triển ĐCTT nơi đây. Cũng từ đó dòng nhạc của dân tộc sẽ thay thế dần nhạc thị trường, giúp lớp trẻ hiểu được giá trị sâu sắc trong mỗi ca từ để sống tốt, sống có ích cho quê hương, đất nước.
THIÊN LÝ