Vang mãi khí thế tổng tiến công mùa xuân 1975

Thứ năm, ngày 25/04/2024

(BDO) Bài 1: Sục sôi trước thời khắc lịch sử

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, cùng với toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Bình Dương đã kiên cường chiến đấu cùng với các binh đoàn chủ lực, đánh bại các căn cứ cố thủ cuối cùng của Mỹ - ngụy. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân và dân Bình Dương đã làm chủ hoàn toàn TX.Thủ Dầu Một. Căn cứ bàn đạp tiến công trên hướng Bắc cửa ngõ Sài Gòn nhanh chóng được mở rộng, tạo điều kiện cho các quân đoàn chủ lực của ta thần tốc tiến công thọc sâu vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cách đây 49 năm, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, không khí của những ngày tháng 4-1975, tại Thủ Dầu Một sôi sục tinh thần tiến công.

“Một ngày bằng 20 năm”

Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang (LLVT) trong tỉnh đã được tiến hành rất khẩn trương. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế cách mạng tiến công, quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Phối hợp với chiến trường chung, Bộ CHQS tỉnh quyết định sử dụng LLVT 3 thứ quân của tỉnh cho chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh. Cụ thể, Tiểu đoàn Phú Lợi 1 làm nhiệm vụ dẫn đường cho Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh vào Sài Gòn. Sau đó, đánh chiếm giải phóng Chi khu Lái Thiêu. Đại đội 74 đặc công phối hợp lực lượng tại chỗ đánh chiếm khu Búng, xã An Thạnh. Tiểu đoàn Phú Lợi 2 sẽ được Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chi viện pháo đánh chiếm giải phóng xã Bình Mỹ (huyện Tân Uyên xưa); sau đó tiểu đoàn giao lại cho du kích xã và cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm Tiểu khu Phú Lợi và TX.Thủ Dầu Một. Tiểu đoàn Phú Lợi 3 cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 tiếp quản thị xã. Đại đội Công binh 506 phối hợp du kích xã Phú Chánh đánh chiếm giải phóng xã Phú Chánh xong giao lại cho địa phương, phát triển lực lượng vào thị xã. Đại đội 73 đặc công cùng lực lượng huyện Dĩ An (có sự chi viện của Đoàn đặc công 113 của trên) đánh chiếm các chi khu, phát triển xuống Đề pô xe lửa Dĩ An. Các huyện Nam Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên cũng sử dụng lực lượng huyện, du kích xã phối hợp chiến trường chung kết hợp tiến công và nổi dậy, đánh chiếm, giải phóng thị trấn, sau đó phát triển sang các mục tiêu khác.

Má Sáu Ngẫu (thứ ba, từ trái sang) cung cấp tấm bản đồ và hướng dẫn đường tiến quân vào Sài Gòn cho chỉ huy Trung đoàn 27. Ảnh: Tư liệu

Trong giai đoạn này, cùng với việc thành lập Tiểu đoàn 3, Đại đội đặc công, Đại đội pháo của tỉnh thì các đại đội địa phương huyện, đội biệt động thị xã, du kích xã đều được bổ sung quân số, trang bị vũ khí, tổ chức học tập, quán triệt nhiệm vụ, huấn luyện. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cùng dân công hỏa tuyến liên tục ngày đêm vận chuyển hơn 40 tấn vũ khí đạn dược, hơn 117 tấn lương thực, thuốc men vào các vị trí tập kết kho bãi ở Nam đường 16 để phục vụ chiến trường. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong những ngày cuối tháng 4-1975 sục sôi khí thế cách mạng tiến công.

Tại thị xã, thị trấn, trong các ấp chiến lược, nhiều đảng viên mật, hàng ngàn du kích mật, cơ sở mật đã vượt qua nguy hiểm bám địa bàn vận động quần chúng, bí mật chuẩn bị mọi mặt như may cờ mặt trận, chuẩn bị thuốc men, lương thực… đẩy mạnh công tác binh vận, sẵn sàng nổi dậy.

Đến ngày 26-4-1975, các LLVT của tỉnh cùng 2 sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 1, Đoàn 113 đặc công quân khu đã vượt qua bom đạn kẻ thù, đã sẵn sàng ở vị trí xuất phát tấn công vào các mục tiêu địch theo kế hoạch đã đề ra…

Tấm bản đồ của má

Nhắc đến những ngày sục sôi trước chiến dịch tổng tiến công, không thể không nhắc đến má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu) ở TP.Thuận An. Nhờ tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu trao (tấm bản đồ đô thành) và “tham mưu” cho chỉ huy Trung đoàn 27 vào tối 29 ngày 30-4-1975 mà Trung đoàn 27 Quân đoàn 1 “không bị rơi vào ổ phục kích, đánh thắng giòn giã quân địch từ tuyến phòng ngự tử thủ kiên cố vòng ngoài vào mục tiêu được giao là “Lục quân công xưởng” ít thương vong và tổn thất về lực lượng, phương tiện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao” .

Với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang (LLVT) trong tỉnh đã được tiến hành rất khẩn trương. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế cách mạng tiến công, quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng…

Nhiều lần gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, lần nào, với ông cũng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Theo lời ông kể, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 được giao nhiệm vụ đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục đường 13 chiếm cầu Vĩnh Bình và các cây cầu trọng yếu, bằng mọi giá phải mở được cánh cửa phía Bắc để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Và má Sáu Ngẫu gắn liền với lịch sử của trung đoàn. Theo lời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, “trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và những thông tin má Sáu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại”.

Thời điểm này, mỗi ngày địch lại tăng cường thêm lực lượng cho Lái Thiêu. Đây vốn là một quận lỵ sầm uất với những vườn cây ăn trái nổi tiếng khắp miền, nay trở nên ồn ào, chật chội, lính về, tai họa đổ xuống đầu người dân. Đổ tiền, đổ lính vào những tuyến tử thủ, chỉ huy quân ngụy Sài Gòn hy vọng chặn đứng được các mũi tiến công của ta, có thể kéo dài thêm sự tồn tại của chính quyền tay sai Sài Gòn.

Riêng với má Sáu Ngẫu, theo lời kể của chị Huỳnh Thị Kim Ngân (con gái má Sáu Ngẫu) thì trong hai ngày 28 và 29-4, má đứng ngồi không yên. Má liên tục thúc giục đội du kích bám sát tình hình chiến sự ở phía Bến Cát và đường 13. Má tiếp tục xem xét kỹ tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và cửa ngõ phía Bắc, chuẩn bị cẩn thận những ý kiến tham mưu tác chiến của mình. Tấm bản đồ ghi lại vị trí đặc biệt các căn cứ lớn của địch, hệ thống giao thông và các lớp hỏa lực vòng ngoài từ khu vực nội thành đến cửa ngõ phía Bắc và toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở TX.Thủ Dầu Một. Tối 29-4-1975, linh cảm cho má Sáu Ngẫu biết giờ phút thực hiện ước mơ và tâm nguyện của chồng đã đến. Ngọn đèn dầu được thắp sáng từ lúc trời chưa tối. Và giờ “G” đã đến, khoảng 19 giờ tối ngày 29-4, đội quân tiên phong của Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B đã đến nhà má...

Vì vậy, dịp 30-4 hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 vẫn vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về đây để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước và với trung đoàn. Nhờ có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn cùng những chỉ dẫn tường tận của má Sáu đã giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ghi nhận công lao của má Sáu Ngẫu, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng 3-2- 2024, Thành ủy Thuận An đã tổ chức truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất của Chủ tịch nước cho má Sáu Ngẫu vì đã có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… (còn tiếp).

THU THẢO