Vang mãi bản hùng ca Phước Thành- Bài cuối

Thứ bảy, ngày 17/09/2016

(BDO)  Bài cuối: Từ truyền thống đến niềm tin sắt son

Chiến thắng Phước Thành cách đây 55 năm không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tiêu diệt sinh lực địch mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Với chiến thắng này, quân và dân ta đã đánh một đòn phủ đầu vào kế hoạch bình định thâm hiểm của địch, tạo nên một cục diện mới, báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Phước Thành còn là niềm tự hào, cổ vũ quân và dân Bình Dương trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kế thừa truyền thống anh hùng trong chiến thắng Phước Thành năm xưa, Phú Giáo ngày nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Đường vào Trung tâm Hành chính huyện Phú Giáo khang trang, rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 55 năm chiến thắng Phước Thành Ảnh: C.SƠN

Từ chiến thắng Phước Thành…

55 năm đã trôi qua, những người chiến sĩ tham gia trận đánh Phước Thành xưa người còn, người mất, nhưng mỗi khi gặp mặt nhau họ đều không thể quên được khí thế tiến công sôi nổi của lực lượng ta vào tỉnh lỵ Phước Thành năm nào. Vào thời điểm cuối năm 1961, chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa rất quan trọng về mặt quân sự và chính trị. Lần đầu tiên ta đã đập tan một cứ điểm, một tiểu khu quân sự mạnh của địch ở miền Nam, phá thế bao vây, tiến công chia cắt, lấn chiếm Chiến khu Đ của địch. Việc đánh chiếm một tỉnh lỵ và đập tan bộ máy hành chính cấp tỉnh của địch đã giáng một đòn mạnh vào chương trình bình địch của địch ở miền Đông, cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng toàn miền Nam.

Sau 17 năm tái lập, hiện nay cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Phú Giáo đã cơ bản đồng bộ với hệ thống điện, đường, trường, trạm, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Phú Giáo đã đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 12 - 13%; thu bình quân đầu người là 5 triệu đồng vào năm 1999 đến cuối năm 2015 là 36,5 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ với tỷ lệ tương ứng: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 40%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,9%; dịch vụ chiếm 28,1%. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm là 5,75%; công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm là 12,92%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm là 21,37%.

Ông Trần Văn Ấn, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Phú Giáo, Trưởng ban Liên lạc truyền thống kháng chiến tỉnh Phước Thành, cho rằng chiến thắng Phước Thành đánh dấu một bước trưởng thành của chủ lực khu, bộ đội địa phương, du kích Phước Thành và huyện Phú Giáo, tạo điều kiện phát triển lực lượng vũ trang và phong trào du kích ở địa phương. Chiến thắng Phước Thành đã khẳng định sức mạnh của đường lối và thế trận chiến tranh nhân dân, là một thắng lợi quan trọng của nghệ thuật quân sự và là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), của ba mũi giáp công và của sự tìm tòi, chuẩn bị nhiều mặt trước đó của quân và dân ta. Chiến thắng Phước Thành là một trong những đòn phủ đầu phá tan âm mưu trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam…

Đến Phú Giáo hôm nay…

Từ chiến thắng Phước Thành năm nào, những bài học lịch sử về tinh thần đoàn kết, bản lĩnh sáng tạo, tinh thần vượt qua khó khăn, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo ngày nay thấm nhuần sâu sắc trong suy nghĩ, hành động và đã phát huy trong thực tế. Quân và dân địa phương trong trận đánh Phước Thành năm xưa đã anh dũng trong đấu tranh giải phóng quê hương; quân và dân Phú Giáo ngày nay cũng đã ra sức, thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đến Phú Giáo hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất là những ngã đường thênh thang rộng mở mời gọi đầu tư vào vùng đất đầy tiềm năng này; các khu dinh điền năm nào nay đã thành những trang trại trồng cao su, trồng cây ăn trái xanh mướt mắt. Cùng với đó, đời sống nhân dân, đời sống của những hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được nâng lên rõ rệt, không khí vui tươi xuất hiện trên các ngã đường của huyện này. Ông Phạm Văn Chánh, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo cho biết: “Phát huy tinh thần chiến thắng Phước Thành năm xưa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trải qua 17 năm kể từ ngày tái lập huyện đến nay, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị, giữ vững đoàn kết, tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, phát huy mọi lợi thế, nguồn lực, vượt qua khó khăn thách thức, đưa kinh tế huyện nhà phát triển ổn định”.

Đến cuối năm 2015, huyện đã quy hoạch được 1 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp tại các xã Vĩnh Hòa, Tam Lập, Phước Hòa. Trong đó đã khởi công, động thổ cụm công nghiệp Tam Lập với diện tích khoảng 200 ha tại xã Tam Lập. Điện lưới đã phủ kín với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99%. Toàn bộ các tuyến đường liên xã được trải nhựa, nâng cấp, đầu tư mở rộng tạo thuận lợi giao lưu hàng hóa. Hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư theo chuẩn quốc gia, đường giao thông nông thôn, các đường trục chính của huyện đều được đầu tư theo hình thức BOT.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đến nay huyện có 32/37 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86,49; 100% xã, thị trấn được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 97,8%, trung học phổ thông đạt 99%; đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, triển khai các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm, tạo điều kiện cho hàng trăm trường hợp khó khăn ổn định cuộc sống, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,32% năm 2000, xuống còn 0,91% vào cuối năm 2015. Các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trước đây như An Linh, An Thái, Tân Long… thì nay, những địa phương này đang đi đầu trong công tác giảm nghèo. Trên lĩnh vực y tế, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ với 1 trung tâm y tế và 11/11 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Những thành tựu đã đạt được thời gian qua là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Giáo tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương Phú Giáo ngày càng giàu đẹp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt ra nhiều chỉ tiêu để tạo bước đột phá cho huyện Phú Giáo. Hiện nay, huyện cùng đã và đang hoàn hiện các đề án là các chương trình đột phát để triển khai thực hiện trong thời gian tới…”.

 So với các địa phương khác, huyện Phú Giáo có xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển của những ngày đầu sau khi được tái lập còn nghèo nàn, thiếu thốn. Giao thông đường bộ chủ yếu là đường đất đỏ, xuống cấp nặng nề; các cơ sở phúc lợi xã hội gần như chưa có. Là huyện thuần nông, nhưng kinh tế nông nghiệp phát triển manh mún... Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, tìm các giải pháp phù hợp phát triển đưa Phú Giáo từng bước đi lên…

CAO SƠN

 

 

Từ khóa: