Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao

Thứ tư, ngày 15/12/2010

Cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số, nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh cũng ngày càng tăng cao, nhất là tại những thời điểm cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán như thế này. Trước những nhu cầu bức thiết đó của người dân, chất lượng dịch vụ của xe buýt đã ngày càng được nâng cao, phần nào đáp ứng được nhu cầu.

 Tăng năng lực phục vụ

Hiện nay, xe buýt tại Bình Dương đã trở thành nhu cầu hết sức cần thiết trong cuộc sống của dân, nhất là số lượng lớn những người đi làm như công nhân, nhân viên, học sinh, sinh viên thì càng trở nên quen thuộc và gần gũi.

Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh có đến 21 tuyến xe buýt hoạt động với tổng số đầu xe tham gia khai thác là 226 phương tiện các loại từ 25 - 80 chỗ với tổng năng lực vận chuyển là 10.628 chỗ ngồi đã phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, sản lượng hành khách bình quân mỗi ngày là 38.931 lượt khách đi lại, sản lượng vận chuyển năm 2010 trên 14 triệu lượt hành khách, điều này cho thấy người dân đang rất ủng hộ việc đi lại bằng xe buýt.

  Phương tiện xe buýt của Bình Dương phát  triển nhanh về lượng và chấtÔng Trần Việt Hùng, quyền Trưởng phòng Quản lý Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Bình Dương cho biết: “Kết quả hoạt động vận tải hành khách năm 2010 đã có những phát triển khả quan, phù hợp với thực tế nhu cầu đi lại của người dân, hành khách đi trên các tuyến xe buýt ngày càng tăng. Chất lượng dịch vụ nhìn chung đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Nhiều tuyến đã được mở rộng và đi vào thực hiện như các tuyến có lộ trình đi từ  TX.TDM đến các huyện trong tỉnh như Phú Giáo, Dầu Tiếng... và các tuyến ngoài tỉnh như TX.TDM đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), TX.TDM đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai )... Về thời gian giãn cách giữa các chuyến được rút ngắn từ 45 phút xuống còn 15 phút/chuyến, những giờ cao điểm được tăng cường số tuyến chỉ 5 phút/chuyến nên hành khách không chờ đợi lâu”. Ông Hùng cho biết thêm, nhiều phương tiện cũ đã được thay bằng xe mới, một số đơn vị đầu tư xe có trang bị máy lạnh, thái độ phục vụ của lái xe, tiếp viên tốt hơn trước. Để khuyến khích một số tuyến chưa đông hành khách, trong năm 2010 Sở GT-VT đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch trợ giá xe buýt, hiện có 5 xe đang được trợ giá.

Tiện ích của xe buýt là không thể chối cãi. Tham vấn hành khách thường xuyên đi xe buýt, chị Trang Thị Dầu ở Tân Uyên, hiện là sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cho biết: “Trước kia, tôi rất ít đi xe buýt vì chỉ khi nào lên thị xã chơi cùng bạn bè thì mới đi. Lúc đó muốn đi phải chờ rất lâu mới có một chuyến xe buýt đến. Nhưng từ khi chị học trên thị xã, đi lại nhiều tôi thấy số tuyến đã tăng, tiện nghi trên xe như ghế ngồi được êm hơn, nhiều xe có lắp thêm máy lạnh nên không còn cảm giác nóng nực cũng như bụi trên đường bay vào. Với mức giá vé 7.000 đồng/vé (áp dụng cho tuyến đường dài hiện nay) như tuyến TX.TDM - thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) tôi đi thì cũng rất phù hợp với điều kiện hiện nay khi giá xăng cao”.

Còn phấn đấu nhiều

Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều xã ở các vùng xa của các huyện như Phú Giáo, Dầu Tiếng thì lộ trình tuyến chạy còn ít; cũng còn một số ít lái xe, tiếp viên có thái độ và tinh thần phục vụ không tốt. Chị Cẩm Ly, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, chị vẫn còn chứng kiến người lái xe cục cằn, còn tiếp viên thì không niềm nở, bên cạnh đó còn tồn tại hiện tượng hành khách phải đứng.

Để người dân thật sự “cùng buýt” thì  Sở GT-VT cần một phương án hợp lý, hiệu quả và lâu dài. Ông Trần Việt Hùng cho biết: “Trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ cho triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng thêm nhiều tuyến để phục vụ đi lại cho người dân, mở thêm tuyến Biên Hòa (Đồng Nai) đến Hội Nghĩa (Tân Uyên), đặc biệt là sẽ triển khai tuyến đưa rước công nhân từ Đồng Xoài (Bình Phước) đến các khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương”. Với những tuyến xe buýt đưa rước công nhân đi lại thế này là một giải pháp đã có ý nghĩa rất nhiều cho kinh tế - xã hội của tỉnh như bảo đảm về giờ giấc đi lại cho công nhân, nhân viên, tránh ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn xảy ra và làm giảm ô nhiễm môi trường... Đây cũng là phương án hiệu quả, nhất là hiện nay Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tập trung một lực lượng lao động lớn, hơn thế nữa sắp tới Bình Dương sẽ lên thành phố thì nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều.

PHƯƠNG AN