Vận tải hành khách bằng xe buýt: Kịp thời hỗ trợ để phục hồi và phát triển
(BDO) Chưa thu hút hành khách
Theo các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, kể từ khi được phép nối lại hoạt động, lượng khách vẫn giảm mạnh, nhiều tuyến xe buýt lượng khách giảm khoảng 50%. DN đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong hoạt động vận tải hành khách, nhưng vẫn chưa thu hút được hành khách. Dịch bệnh ảnh hưởng một phần, kế đến là giá vé bình quân vẫn còn cao (bình quân 10.000 đồng/lượt), nhiều ý kiến cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến công nhân lao động, người dân chưa thật sự đón nhận loại hình VTHKCC bằng xe buýt.
Phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt phải nằm bến do vắng khách
Anh Nguyễn Anh Tuấn, công nhân lao động ở TP.Thuận An cho biết, trước đây cũng thường đi xe buýt để đi làm nhưng sau đó thấy giá vé vẫn còn cao so với thu nhập nên đã quyết định chuyển sang đi xe máy từ phòng trọ đến nhà máy để làm việc. Tương tự chị Mai Hoa, công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần chia sẻ, trước đây vẫn hay đón xe buýt để di chuyển đây đó, nhưng giá vé vẫn còn cao dù cự ly di chuyển không dài nên đã quyết định đi bằng xe máy cá nhân. Theo anh Tuấn, chị Hoa, rất cần chính sách hỗ trợ giá vé xe buýt cho người dân, công nhân lao động để mọi người cùng tham gia di chuyển bằng loại hình vận tải an toàn, văn minh này. Trao đổi với chúng tôi, nhiều hành khách cũng cho biết, nhu cầu đi lại của người dân đã giảm kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, tâm lý mọi người vẫn đề cao cảnh giác dù các đơn vị vận tải đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống.
Kiến nghị hỗ trợ giá vé để kích cầu
Ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh (buýt Phương Trinh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết trở lại điều kiện “bình thường mới”, nhiều DN xe buýt rất háo hức để khôi phục lại hoạt động. Tuy nhiên, lượng khách quá ít, thậm chí không có khách khiến nhiều tuyến buýt không thể trở lại hoạt động bình thường. “Với lượng khách đi không đủ chi phí cho nhiên liệu cùng các chi phí khác khiến DN xe buýt lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” các DN như Phương Trinh, Phúc Gia Khang đã mạnh dạn vay hàng chục tỷ đồng vốn ưu đãi để đổi mới phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) để đưa vào phục vụ hành khách. Triển khai chưa được bao lâu thì nay rơi vào cảnh khó khăn do dịch bệnh, DN ngày càng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất”, ông Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Gia Khang, cho biết các DN vận tải hành khách xe buýt hiện gặp nhiều khó khăn do lượng khách không có, chi phí đi lại vẫn còn cao so với thu nhập của người lao động trên mỗi lượt vé. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng tâm lý hành khách nên nhiều tuyến buýt không có khách hoặc lượng khách quá ít không thể bù đắp cho chi phí vận hành.
Trước những khó khăn trên, 4 DN, gồm: Công ty Cổ phần Vận tải Bình Dương, Công ty TNHH Phúc Gia Khang, Chi nhánh Hợp tác xã Vận tải số 15 và Hợp tác xã Vận tải Tấn Phát, hiện đang thực hiện 9 tuyến xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh đã gửi kiến ghị đến Sở Giao thông - Vận tải để tìm giải pháp hỗ trợ DN phục hồi. Theo các DN, từ tháng 11-2019 đến nay do bị ảnh huởng của dịch bệnh Covid-19 hoạt động VTHKCC bằng xe buýt bị ảnh hưởng nặng nề, khi hoạt động cầm chừng có khi phải dừng hẳn khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bình Dương đã qua đỉnh dịch, tỷ lệ người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cao là điều kiện cần và đủ để khôi phục sản xuất và phát triển kinh doanh của tỉnh, trong đó hoạt động VTHKCC bằng xe buýt cũng cần được khôi phục hoạt động để đáp ứng nhu cầu.
Việc khôi phục và duy trì hoạt động các tuyến xe buýt là rất khó khăn đối với DN khi đã cạn kiệt nguồn lực trong thời gian vừa qua. Hiện nay, các DN như Công ty Cổ phần Phương Trinh, Công ty TNHH Phúc Gia Khang đã thực hiện đổi mới phương tiện sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường. Để khuyến khích người dân tham gia, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… các DN đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giá vé cho tất cả đối tượng người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cho biết đã tiếp nhận kiến nghị của các DN. Tuy nhiên, các đề xuất, kiến nghị chính sách trợ giá vé cho hành khách cần phải được trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.
Được biết, tỉnh đã bố trí dự toán hơn 9,8 tỷ đồng để hỗ trợ vé xe buýt cho một số tuyến buýt kết nối với Trung tâm Hành chính tỉnh. Hệ thống VTHKCC bằng xe buýt tại Bình Dương được hình thành từ năm 2003, trong 18 năm vận hành, loại hình này đã tạo được mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh cũng như kết nối đến các tỉnh, thành lân cận. Nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục phát triển loại hình này, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay rất cần tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn của DN để phát triển hơn trong thời gian tới.
MINH DUY