Văn nghệ sĩ Bình Dương tri ân Tổ nghiệp
(BDO) Nhân ngày Giỗ Tổ sân khấu (12-8 âm lịch), các văn nghệ sĩ Bình Dương đã cùng nhau tụ họp về mái nhà chung thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với Tổ nghiệp và với những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu.
Trích đoạn cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” trong chương trình Giỗ Tổ sân khấu do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức
Năm 2010, theo đề nghị của Hội Sân khấu Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo kết luận số 364-TB/TW công nhận ngày 12-8 âm lịch hàng năm là ngày Sân khấu Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ trở thành ngày Sân khấu Việt Nam với ý nghĩa tôn vinh nền sân khấu nước nhà, động viên, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam; phấn đấu có nhiều tác phẩm và nhiều hoạt động sân khấu có ý nghĩa góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho quần chúng nhân dân.
Ngày Giỗ Tổ Sân khấu năm nay trùng với dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hòa trong không khí trang nghiêm của lễ Giỗ Tổ sân khấu tại Bình Dương do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, chúng tôi đã có dịp cùng giới văn nghệ sĩ trong tỉnh ôn lại quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương của địa phương. Trong tiến trình hội nhập hiện nay, các văn nghệ sĩ Bình Dương đã sống chung trong môi trường văn hóa toàn cầu, chấp nhận sự tác động tích cực lẫn tiêu cực của các trào lưu văn hóa nước ngoài du nhập. Tuy nhiên, bằng lòng say mê nghệ thuật, tư duy sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc và với đầy đủ trách nhiệm, phẩm chất của một người nghệ sĩ, họ đã khẳng định diện mạo văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh phần nghi lễ trang nghiêm gồm: Khởi cổ lệnh, khởi minh thanh, khởi đại cổ, nhạc sanh khởi nhạc, niệm hương, dâng hương của các đại biểu, chương trình lễ Giỗ Tổ còn mang đến khán giả mộ điệu nhiều tiết mục văn nghệ cúng tổ đặc sắc; trong đó để lại ấn tượng sâu sắc nhất là trích đoạn cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” do Nghệ nhân nhân dân (NNND) Thu Hồng, Kiều Oanh, Phương Thảo, Lan Anh, Phương Trinh, NSƯT Minh Đức và các hội viên, học viên CLB Đờn ca tài tử Bình Dương biểu diễn.
Chia sẻ với chúng tôi trong ngày hội của sân khấu, NNND Thu Hồng cho biết: “Cùng tụ họp về mái nhà chung văn học nghệ thuật Bình Dương, chúng tôi rất tự hào khi có hẳn một lễ hội để quảng bá. Song song với đó, chúng tôi cũng nhắc nhở nhau về trách nhiệm và đạo đức của một người nghệ sĩ đối với công chúng và Tổ nghiệp”. Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, việc chọn ngày 12-8 âm lịch hàng năm làm ngày Sân khấu Việt Nam đã góp phần đáp ứng được nguyện vọng của giới hoạt động sân khấu, góp phần động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu luôn luôn giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp.
THỤC VĂN