Văn nghệ học đường, nét đẹp cần nhân rộng
(BDO) Dịp khai trường năm học mới 2019-2020, hầu hết chương trình của các trường đều có phần văn nghệ do học sinh (HS) biểu diễn. Đây là một sân chơi lành mạnh, hữu ích, cần ghi nhận và động viên các em có năng khiếu về âm nhạc, vũ đạo tham gia.
Một tiết mục văn nghệ của học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An)
Phải nói rằng, các tiết mục văn nghệ của các trường từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT đều có sự đầu tư, dàn dựng công phu. Sau lễ khai giảng, nhiều thầy cô, phụ huynh và HS còn chia sẻ những clip các tiết mục múa hát hay lên mạng xã hội cho nhiều người cùng xem. Có một số trường “đầu tư” nhiều hơn nữa khi đã dàn dựng cả một màn đồng diễn các điệu nhảy, bài hát tập thể của thầy cô và HS ngay giữa sân trường, tạo nên ấn tượng rất mạnh mẽ cho người xem.
Theo một em HS trong đội văn nghệ của trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An), để có các tiết mục văn nghệ hay được chọn biểu diễn trong ngày khai trường, dịp hè các em đã tranh thủ tập cùng nhau. Các tiết mục được tập đi tập lại thật nhuần nhuyễn, được tổng duyệt xong mới cho biểu diễn. “Bởi lễ khai trường có lãnh đạo các cấp dự nên các em vừa tự hào vừa lo lắng vì sợ không làm tốt tiết mục của mình”, một em HS trong đội múa của trường tâm sự.
Trường Petrus Ký cũng là một trong những đơn vị có đầu tư cho các tiết mục văn nghệ, thể dục nhịp điệu. Tiết mục đồng diễn của thầy trò trường này được nhiều người trầm trồ khen ngợi. Hầu hết các tiết mục văn nghệ trong dịp lễ khai trường từ thành thị đến nông thôn đều nói lên tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước, ý thức vươn lên trong học tập để hướng đến một tương lai tươi sáng.
Cô Hồ Nguyễn Thùy Duyên, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An), cho biết: “Các em HS có năng khiếu văn nghệ được giáo viên của trường phát hiện và bồi dưỡng. Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện để HS thể hiện năng khiếu, niềm đam mê của mình. Các tiết mục nhảy hiện đại cũng là cách tốt giúp HS rèn luyện thể lực nên rất cần khuyến khích, động viên HS tham gia chương trình văn hóa văn nghệ của trường cũng như dự thi hội thi Hoa phượng đỏ các cấp được tổ chức trong mỗi dịp hè”.
Nói về văn nghệ học đường, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho rằng đây là một phong trào lớn của HS các cấp và cần được giúp đỡ, bồi dưỡng để các em có điều kiện bộc lộ tài năng của mình. Thường thì các tiết mục hay được chọn dự thi Hoa phượng đỏ. Đó là các tiết mục được cách điệu rất độc đáo trong trang phục, đạo cụ hay trong các vũ điệu, lời ca, phong phú nội dung, đa dạng màu sắc. Nhiều chương trình, tiết mục chất lượng cao, thể hiện một Bình Dương năng động, hiện đại, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, văn minh, giàu đẹp… Tiết mục của các em HS cũng thể hiện niềm tự hào, yêu mến vùng đất Bình Dương cũng như ngôi trường của các em đang học.
Văn nghệ học đường là sân chơi đầy bổ ích và ý nghĩa. Những giọng ca hay, các tiết mục múa xuất sắc còn có cơ hội thể hiện trong các dịp lễ của trường như khai giảng, mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lễ hội mừng năm mới, bế giảng năm học… Lứa tuổi HS là lứa tuổi đẹp nhất và là cơ hội để các em thể hiện bản thân. Hoạt động văn hóa văn nghệ nhẹ nhàng như thế cũng giúp các em giảm bớt căng thẳng sau những tiết học hay ôn tập trong những kỳ thi. Nhà trường, gia đình và xã hội nên tạo điều kiện, động viên các em yêu thích văn nghệ luyện tập và biểu diễn để HS thêm mạnh dạn, tự tin.
QUỲNH NHƯ