Vẫn nan giải chuyện “thừa thầy thiếu thợ”!

Thứ tư, ngày 15/04/2015

(BDO) Đã có nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh việc đào tạo nghề ở bậc trung cấp, cao đẳng, khi còn khoảng 3 tháng nữa Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực (ngày 1-7-2015). Hiện tại, Chính phủ chưa phân cho bộ nào quản lý trường nghề. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại được giao nhiệm vụ xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện luật mới này. Vì vậy, những cơ sở đào tạo nghề lại nhấp nhổm, cảm thấy bất an.

Hiện nay, hệ thống dạy nghề gồm trường trung cấp, cao đẳng nghề vốn bị phân tán, chia cắt, phát triển manh mún, gây lãng phí. Đó là chưa tính đến một số trường trung cấp, cao đẳng nghề có tồn tại được hay không khi rất khó tuyển sinh học viên. Vì vậy, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, sát nhập, giải thể… đối với trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Nghị định quy định một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp có những nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, còn nhiều nội dung chồng chéo với các văn bản hiện hành, với thực tiễn và tính khả thi không cao. Do đó, tình trạng đào tạo theo hướng “trọng thầy, khinh thợ” đang là một thực trạng đáng lo ngại.

Vì vậy, việc giải bài toán “thừa thầy thiếu thợ” cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ của ngành giáo dục - đào tạo. Đào tạo nguồn lực phải theo nhu cầu của xã hội là hướng đi đúng. Chuyện hàng năm học sinh đổ xô đi thi đại học là hệ quả tất yếu của những bất cập trong định hướng đào tạo không theo sát nhu cầu thị trường lao động. Vì vậy, đội ngũ lao động được đào tạo ra vừa mất cân đối về cơ cấu trình độ cũng như cơ cấu ngành nghề. Điều đó dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động đáp ứng đúng những yêu cầu cần thiết. Đào tạo nhân lực phải gắn với thị trường lao động, vấn đề đặt ra là cần có định hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội.

Hệ quả như đã nói ở trên suy cho cùng chính là do công tác quản lý của ngành giáo dục - đào tạo chưa phát huy hiệu quả trong việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo dựa trên dự báo về nhu cầu lực lượng lao động của xã hội nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Trong khi chúng ta mở ra quá nhiều trường đại học mà lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường dạy nghề.

Mùa tuyển sinh năm học mới đã gần kề, áp lực đầu vào ngày một khó nhưng các trường dạy nghề vẫn chưa rõ số phận của mình sẽ ra sao?

NHẬT HUY