Văn miếu Quốc Tử giám: Niềm tự hào của dân tộc Việt

Thứ sáu, ngày 22/10/2010

 Ngay sau khi lên ngôi vua (1010) Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long tức Hà Nội ngày nay.

Sau khi dời đô, nhà Lý đã xây dựng nhiều lâu đài, cung điện, đền đài, thành lũy bảo vệ. Đồng thời vua còn chăm lo, mở mang việc học tập, thi cử để đào tạo nhân tài và tuyển chọn quan lại cho bộ máy hành chính. Tháng 8 năm Canh Tuất niên hiệu thần vũ thứ hai năm 1070 vua Lý Thánh Tông đã quyết định cho xây dựng Văn Miếu, ngoài chức năng thờ các bậc Tiên Thánh của đạo nho, Văn Miếu còn có chức năng của một trường học Hoàng Gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó Càn Đức mới 5 tuổi. Đến năm 1072 Càn Đức lên ngôi lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông.

Năm 1075 triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài. Sau khi Triều Lý chuyển ngôi sang nhà Trần, Quốc Tử Giám được chú trọng và thêm một đợt đại trùng tu, chủ yếu vẫn dành cho con cháu tầng lớp vua quan đến học, chỉ mở rộng một phần cho các nho sinh ưu tú ở các phủ thi Hương được chuyển chọn vào Quốc Tử Giám.

Trải qua 1.000 năm, Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là di tích lịch sử quốc gia, là nơi quen thuộc của giới sinh viên, học sinh và du khách trong nước cũng như quốc tế.Không khí trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám mát mẻ, có không gian thoáng đãng và cây cối xanh tươi bao quanh nên bất cứ lúc nào, kể cả ngày thường cũng có đông đúc du khách đến tham quan, đều có chung một cảnh tượng cảnh quan ở đây rất thanh tịnh và tôn nghiêm.

Khu nội tự của Văn Miếu Quốc Tử Giám được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bằng tường gạch vồ xây xung quanh và chia thành 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch và có các cửa thông nhau. Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây trên một khu đất chiều dài 300m, chiều rộng phía Bắc 75m, phía Nam 61m. Phía trước là hồ văn, phía sau là hậu chẩm, nghĩa là tường thành cổ đã bị thực dân Pháp phá từ năm 1884, thay vào đó là các đường phố kiến trúc kiểu biệt thự đó là phố Nguyễn Thái Học hiện nay.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi đón tiếp nhiều sinh viên, học sinh đến tìm hiểu về lịch sử và thi thoảng cũng còn có những cô cậu sĩ tử đến “cầu may” trong các kỳ thi cử. Có lẽ giới sinh viên, học sinh thích nhất là được chiêm nghiễm hai dãy bia tiến sĩ. Đây cũng là những hiện vật quý giá nhất của khu di tích. Hiện còn 82 tấm bia phàn đến hai bên, mỗi bên 41 tấm bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang. Hai tòa đình bia xây dựng vào năm 1863, bốn mặt bỏ trống. Hiện còn dựng hai tấm bia của hai khoa thi đầu tiên thời Triều Lê năm 1442 và 1448, cùng bia đá khắc chữ Quốc Ngữ danh sách của 1.306 vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi tiến sĩ từ năm Đại Bảo 3 (1442) đến năm Kỷ Hợi (1779) đã được ghi tên 82 tấm bia đặt trên lưng rùa.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được chia thành 5 khu vực ứng với ngũ hành tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và có đủ cả trên nhà dưới ao. Theo kinh dịch, những con số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 thuộc dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Vì thế các công trình kiến trúc ở đây đều có bậc thềm tam cấp: Nhà 1, 3, 5, 7 hoặc 9 gian: 3 là dương sinh, 5 là dương trung hòa, 7 là dương trường, 9 là cực dương, khuê văn có 8 mái là bát quái, có thêm một nóc ở trên là 9. Đó là con số cực dương.

Trên nóc bán đường và điện đại thành có “Lưỡng long Triều nguyệt” hai con rồng uốn lượn 3 khúc, đầu ngẩng cao chầu vào mặt trăng ở giữa. Trên trần bia tiến sĩ cũng có điêu khắc này.

TRẦN HẠNH NGUYÊN