Vẫn làm lịch theo kiểu độc quyền?

Chủ nhật, ngày 14/11/2010

Đầu năm 2010, Hội Xuất bản Việt Nam gây bất ngờ khi tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của “tuyệt đại đa số các nhà xuất bản” để đưa ra một phương thức xuất bản lịch blốc năm 2011 theo kiểu chia nhóm, quy định cụ thể số lượng sản xuất và giá bán. Cách làm này bị phê phán trở lại thời độc quyền. Thời điểm thị trường lịch đã an bài, nhưng hiệu quả xuất bản lịch blốc năm 2011 của Hội Xuất bản VN vẫn là dấu hỏi lớn.

Thị trường khác kế hoạch

Đến giờ phút này, hầu hết những điểm có lợi của chủ trương làm lịch theo nhóm do Hội Xuất bản đề ra vào đầu năm đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đầu tiên phải kể đến mẫu mã lịch, theo ghi nhận của thị trường, các mẫu lịch blốc do tư nhân liên kết với các nhà xuất bản (NXB) ngoài nhóm thực hiện đang rất ăn khách, bỏ xa lịch của các nhóm thực hiện. Điều này đã được cảnh báo từ trước khi mẫu mã vốn là ưu thế của các nhà làm lịch tư nhân luôn nhạy bén với sự thay đổi nhu cầu thị trường mỗi năm.

Được trông chờ nhất và cũng bị nghi ngờ thiếu tính hiệu quả nhất là khả năng điều tiết chủng loại lịch trên thị trường của các nhóm. Theo quy định ban đầu, mỗi NXB chỉ được làm 10.000 blốc siêu đại, cực đại và phải làm khoảng 135.000 blốc tiểu, trung. Quy định này nhằm tránh tình trạng đổ xô vào làm lịch cỡ lớn, vốn dễ bán tại các đô thị mang lại lợi nhuận cao và nhanh. Trong khi đó, lịch tiểu và trung bán mạnh ở nông thôn lại ít được chú ý do chậm thu lợi nhuận.

Thế nhưng, thực tế ghi nhận từ thị trường hiện nay, cả tư nhân (liên kết với các NXB ngoài nhóm) lẫn những NXB trong nhóm đều chạy theo lợi nhuận, tập trung làm lịch cỡ đại, siêu đại, cực đại. Lịch blốc cỡ tiểu, trung rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Khách hàng chọn mua lịch blốc 2011.

Có vi phạm pháp luật

Thị trường lịch năm nay có lẽ là một trong những năm bộc lộ nhiều mâu thuẫn nhất. Những mâu thuẫn này phản ánh rõ nét trong Công văn số 1446/STTTT-TTr của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo công văn này, Luật Xuất bản vốn không có điều khoản nào xem xét về định mức hay hạn chế số lượng xuất bản phẩm khi xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản đối với các NXB. Thế nhưng, Cục Xuất bản đã làm không đúng pháp luật khi không xác nhận bổ sung kế hoạch xuất bản lịch blốc cho các NXB nằm trong nhóm như NXB Thanh Hóa và NXB Giao thông Vận tải.

Sở TT-TT TPHCM cũng cho rằng Thông báo số 16/TB-HXBVN của Hội Xuất bản và Văn bản số 1407/XB-QLXB của Cục Xuất bản đã có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, nhất là trong việc hạn chế cạnh tranh và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Không những thế, sở cũng cho rằng 2 văn bản trên của Hội Xuất bản và Cục Xuất bản đã mang nội dung ép buộc, cản trở quyền tự quyết định của mỗi NXB là thành viên của Hội Xuất bản và các NXB không tham gia theo chủ trương chung của hội. Cần phải nhắc thêm rằng Cục trưởng Cục Xuất bản cũng đồng thời là Chủ tịch Hội Xuất bản và là trưởng ban điều hành xuất bản lịch blốc năm nay.

Các chuyên gia về xuất bản cho biết đây chính là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thị trường lịch 2011 đang bước vào giai đoạn quyết định. Trong ảnh: Một cửa hàng lịch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Ai lợi, ai bị thiệt hại?

Theo Hội Xuất bản, phương thức xuất bản lịch blốc theo nhóm sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Như đã nói ở trên, đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lịch blốc tiểu và trung cung cấp cho nông thôn. Đến khi phát hiện ra nhu cầu thị trường này, các doanh nghiệp làm lịch tư nhân tìm cách đáp ứng nhu cầu nhưng rào cản định mức đã khiến các nhà làm lịch tư nhân không tìm được NXB đành ngậm ngùi bỏ cuộc. Nhu cầu và lợi ích của người dân bị treo lửng…!

Theo các nhà phát hành, những năm gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân có nhu cầu tặng lịch nên các doanh nghiệp thường đặt in lịch theo thiết kế riêng số lượng lớn, có khi lên đến hàng trăm ngàn blốc. Thế nhưng, việc làm lịch theo kế hoạch với một số mẫu có sẵn đã khiến nhiều doanh nghiệp chưng hửng. Thậm chí, có trường hợp Bộ TT-TT phải can thiệp để giải quyết nhu cầu của các ngân hàng lớn như Sacombank, ACB…

Việc xuất bản lịch blốc theo nhóm đã phá bỏ tính năng động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Các mẫu lịch, số lượng được quyết định từ giữa năm, đến dịp cuối năm, khi nhu cầu thị trường thay đổi, các đơn vị theo nhóm đành phải chấp nhận hoặc mang lịch cất kho hoặc bắt tay với tư nhân làm lịch xé rào. Nhưng ngay cả muốn xé rào cũng không phải dễ khi Cục Xuất bản không xác nhận bổ sung kế hoạch.

Người làm lịch tư nhân chật vật tìm đất sống, NXB trong hay ngoài nhóm đều mất quyền chủ động, người tiêu dùng bị giới hạn sự lựa chọn sản phẩm, trong khi thị trường lịch vẫn mất cân đối… Rốt cục, phương thức xuất bản lịch blốc năm 2011 thực sự đem lại lợi ích cho ai khi những thiệt hại đã và đang diễn ra không nhỏ?

Theo SGGP