Vẫn là “bài toán” đầu ra nông sản!

Thứ sáu, ngày 24/04/2020

(BDO) Hơn 20 năm trước, khi đang làm phóng viên theo dõi lĩnh vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn, trực tiếp trao đổi cùng những lão nông giàu tâm huyết, những chủ trang trại luôn sẵn sàng cho cụm từ “tiên phong, đột phá”, nâng cao giá trị sản xuất, người viết cũng đã từng nghe, từng viết về một vấn đề nan giải, đó là đầu ra nông sản. Và, lời giải cho “bài toán khó” của nông sản - sau chừng đó thời gian, với nhiều cố gắng - dường như vẫn chưa có đáp án tốt nhất như mong muốn.

Những tháng đầu của năm 2020, thông tin từ các đồng nghiệp trẻ chuyển tải trên báo Bình Dương về lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn phong phú tín hiệu tốt lành, giá trị sản xuất ngày một nâng cao, đời sống người dân nông thôn thay đổi rõ nét, nông nghiệp - nông thôn chuyển mình, phát triển. Nhưng, nếu theo dõi kỹ, nắm bắt đầy đủ về quá trình sản xuất, tiêu thụ của các loại nông sản trên địa bàn, ngoài niềm vui chung về gam màu sáng của kinh tế nông nghiệp - nông thôn vẫn rất dễ nhận thấy nỗi lo của nông dân về đầu ra nông sản bởi thị trường tiêu thụ chưa thực sự bền vững.

Không chỉ là những nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mà ngay cả các trang trại có quy mô, từ trồng trọt đến chăn nuôi, những người chủ am tường về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất sạch, chất lượng cao vẫn chưa hết nỗi lo tiêu thụ với giá bán tương xứng. Đột phá trong hướng đi nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ khá đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, chất lượng, rất nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh thừa khả năng và đã đạt được. Không ít những trang trại xây dựng nên thương hiệu nhưng để chủ động cho đầu ra thì họ vẫn chưa với tới. Với các trang trại đã vậy, nên đại đa số nông hộ nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ là điều đương nhiên.

Hình thành nên chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, những năm qua dù đã từng nghe nhắc đến nhiều nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn, người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng vẫn chưa “gặp nhau” để dung hòa lợi ích. Một mặt, nông dân vẫn còn thiếu lực, từ vốn liếng đến kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Mặt khác, không ít người làm ăn trong thời kỳ mới nhưng vẫn chưa dứt tư tưởng tiểu nông, chú trọng cái lợi trước mắt mà quên mất chuyện đường dài, bền vững. Vậy nên vẫn làm theo thời vụ, chạy theo phong trào, “níu chân” lẫn nhau, khó phát triển.

Sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, nhu cầu của thị trường đó chỉ là một vế của vấn đề. Ràng buộc giữa tất cả các khâu liên quan bằng những hợp đồng, bảo đảm cùng có lợi là vế thứ hai cần có để từng bước giải quyết triệt để các vấn đề đặt ra cho bài toán đầu ra nông sản.

CẢNH HƯỞNG