Văn hóa lễ hội
(BDO) Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. Đây là nét văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa đến nay. Lễ hội là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng của nhân dân nói chung. Nhiều lễ hội đều có khởi nguồn văn hóa tốt đẹp và được duy trì cho đến ngày nay, qua các hình thức của lễ hội còn giáo dục mọi người về lịch sử và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Hàng năm, ở nhiều địa phương diễn ra nhiều lễ hội lớn như: Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Bà Ðen (Tây Ninh), Đền Trần (Nam Ðịnh), Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Bà (Bình Dương)… những lễ hội này đã thu hút đông đảo khách thập phương từ các nơi đến cúng viếng. Trong số các lễ hội thì lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa đã trở thành thông lệ của nhiều người dân ở các địa phương. Đầu năm đi lễ chùa, mọi người cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình, mong cho gia đạo được bình an, cao đẹp hơn là cầu cho quốc thái dân an.
Lễ hội được tổ chức ở các địa phương xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, ngày nay nhiều lễ hội, văn hóa tín ngưỡng đang bị biến tướng. Một bộ phận người dân đi lễ hội, lễ chùa nhưng đã không giữ được nét văn hóa truyền thống vốn có của người dân Việt Nam. Có lúc, có nơi người đi lễ chùa xô đẩy, chen lấn thậm chí giành giật “lộc”, đánh nhau trông thật bát nháo và làm mất đi cảnh tôn nghiêm ở chốn cửa Phật. Hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay Phật, rải tiền bừa bãi, tạo hình ảnh phản tâm linh, thiếu ý thức văn hóa…
Để có mùa lễ hội văn minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 155/BVHTTDL-VHCS, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016. Để bảo đảm cho các lễ hội diễn ra an toàn, đúng với truyền thống văn hóa, bộ thành lập đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại một số địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân.
Tại Bình Dương, hàng năm diễn ra lễ hội có quy mô lớn, đó là lễ hội chùa Bà Rằm tháng giêng. Để lễ hội được văn hóa, văn minh, những năm qua, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… được Ban tổ chức lễ hội, các ngành chức năng và địa phương quan tâm chấn chỉnh. Người dân đến lễ chùa cảm thấy an tâm hơn khi không còn bị chèo kéo mua nhang đèn, bán vé số, hoặc bị chặt chém khi gửi xe, ăn uống… Đặc biệt, nhiều hoạt động như vá xe, cấp nước uống, thức ăn… miễn phí đầy tính nhân văn, đã để lại những ấn tượng đẹp nơi khách thập phương đến Bình Dương. Tất cả những việc làm trên cũng nhằm góp phần giữ gìn nét văn hóa, văn minh của mùa lễ hội
VĂN HIỆP