Văn hóa học đường cần được quan tâm chấn chỉnh

Thứ năm, ngày 09/02/2012

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương phản ảnh: Văn hóa học đường đang có dấu hiệu xuống cấp, lệch lạc, tác động đến đạo đức học sinh (HS). Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chấn chỉnh vấn đề này.     

Trả lời (Tại Công văn số 5803/BGDĐT-VP ngày 15-9-2010):

Vấn đề văn hóa học đường có biểu hiện xuống cấp, tác động đến HS, sinh viên (SV), trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực vừa “xây” vừa “chống” nhằm tăng cường về giáo dục (GD) đạo đức cho HS: Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành GD, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” và các phong trào thi đua khác của ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD thông qua cuộc vận động “Hai không” của ngành “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD”.

Đạo đức, lối sống của HS, SV được hình thành chủ yếu từ 3 môi trường GD: GD của nhà trường, GD của gia đình và GD từ xã hội. Một số giải pháp đang được triển khai:

Về phía nhà trường:

- Đẩy mạnh việc GD kỹ năng sống cho HS gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Trang bị cho các em các kỹ năng sống trong đó bao gồm kỹ năng ứng xử trước các tình huống mâu thuẫn xã hội.

- Đổi mới phương pháp GD đạo đức, lối sống cho HS, SV cả ở trong chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Với phương châm là để các bài giảng về đạo đức, lối sống cho HS, SV sinh động, hấp dẫn, tiếp thu một cách tự nhiên. Các hoạt động GD ngoại khóa phải phong phú, cuốn hút được HS, SV tham gia.

- Chủ động phối hợp, kiến nghị với địa phương, cơ quan công an trong việc kiểm tra, giải tỏa các hàng quán xung quanh trường học, ký túc xá nếu thấy có biểu hiện phức tạp về ANTT. Phối hợp chặt chẽ với gia đình HS, SV trong công tác quản lý, GD, đặc biệt là đối với các HS, SV có biểu hiện chưa ngoan.        

Về phía gia đình HS, SV:

- Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc GD con cái. Cha mẹ phải là tấm gương, là điểm tựa vững chắc cho HS, SV noi theo.

- Quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời. Không phó mặc con em mình cho nhà trường và xã hội.

Về phía các cơ quan chức năng và các địa phương:

- Đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa (các tụ điểm vui chơi, quán bar, karaoke, vũ trường, dịch vụ internet, sách báo, phim ảnh...). Cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

- Kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội ở ngoài xã hội, các tụ điểm phức tạp về ANTT, đặc biệt là khu vực trường học.

- Quan tâm đúng mức và thường xuyên đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên và HS, SV; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thanh thiếu niên, HS, SV nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật ngay tại gia đình, nhà trường và trong cộng đồng dân cư.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc GD thanh thiếu niên, HS, SV. Tiếp tục đổi mới các hoạt động mang tính định hướng, GD để thu hút HS, SV tham gia các hoạt động lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành vẫn còn hiệu lực thi hành, trong năm 2009 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành các văn bản quan trọng liên quan đến việc bảo đảm ANTT trường học:

- Thông tư liên tịch số 34 ngày 20-11-2009 với Bộ Công an hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm ANTT trong các cơ sở GD.

- Thông tư số 31 ngày 23-10-2009 ban hành Quy định về công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong các cơ sở GD.

- Thông tư số 27 ngày 13-10-2009 ban hành Quy chế công tác HS, SV ngoại trú (áp dụng với HS, SV các trường đào tạo).

- Xây dựng và triển khai chương trình phòng chống tác hại của game online.

VP. ĐOÀN ĐBQH-HĐND TỈNH BÌNH DƯƠNG