Văn hóa doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 31/10/2017

(BDO) Hình ảnh vị giám đốc kinh doanh người Nhật đứng cúi đầu chào khách hàng trong cơn mưa tại cây xăng của mình ở Việt Nam vừa qua đã dấy lên nhiều thông tin trái chiều. Nhìn ở mặt tích cực, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng trong nước đã bắt đầu có sự thay đổi. Có nơi, DN đã dựng hình nhân mặt tươi cười và cảm ơn khách hàng đã đổ xăng; có nơi còn lau kính xe ô tô cho khách hàng khi ghé vào trạm xăng để bơm nhiên liệu. Ở cương vị người tiêu dùng Việt, người viết nghĩ trong thâm tâm ai cũng muốn sử dụng hàng Việt nếu được phục vụ ân cần, chu đáo.

Thật ra, hình thức chào khách hàng không phải do người Nhật khởi xướng khi họ mở cây xăng bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ cần ghé qua các cửa hàng của tập đoàn thế giới di động tại Bình Dương, khách hàng cũng được đón tiếp rất nồng hậu. Nhân viên ở đây tay phải đặt lên ngực trái, cúi đầu chào khách hàng một cách trân trọng. “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là vậy, nhiều khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ có giá thành cao hơn chút đỉnh, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận nếu được phục vụ lịch thiệp, ân cần. Sâu xa hơn đó là xây dựng văn hóa cho chính bản thân sản phẩm, doanh nghiệp. Mỗi sản phẩm, dịch vụ hữu hình hay vô hình đều chứa đựng những thông điệp văn hóa nhất định. Lâu nay, nhiều lãnh đạo DN trong nước thường nói đến “văn hóa kinh doanh, văn hóa DN” nhưng ít ai chịu đầu tư đúng mức cho vấn đề này.

Văn hóa DN chính là tài sản vô hình của mỗi DN. Văn hóa DN là văn hóa của một tổ chức, vì vậy nó không đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh, cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng hay trong phòng họp mà là bao gồm sự tổng hợp của các yếu tố trên. Văn hóa DN là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi mỗi thành viên DN.

Mỗi DN đều có lịch sử hình thành và phát triển, bên cạnh đó yếu tố văn hóa không thể tách rời. Ngày nay, hầu hết các sản phẩm đều đạt độ tương đồng về chất lượng, ngang bằng nhau về giá cả, cái làm nên giá trị thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ đó chính là văn hóa của mỗi DN. Khi sự cạnh tranh được “cân đo, đong đếm”, rất khó phân biệt yếu tố nào sẽ làm nổi bật sản phẩm, dịch vụ… thì giá trị văn hóa mà DN đem lại cho khách hàng chính là yếu tố quyết định cho sự lựa chọn của khách hàng. 

HOÀNG PHONG

Từ khóa: