“Văn hóa công sở”

Thứ sáu, ngày 29/07/2011

Phải xây dựng văn hóa công sở (VHCS) như thế nào để làm môi trường giáo dục, rèn luyện người cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập đã và đang được thực thi. Với tinh thần đó, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức hội thi “Văn hóa công sở” với sự tham gia của hơn 400 thí sinh đến từ 40 công đoàn cơ sở, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-7. Hội thi đã thực sự tạo thành sân chơi bổ ích và lý thú, giúp người CBCCVC củng cố sự hiểu biết và các kỹ năng thực hành đối với hành vi, ứng xử phù hợp với VHCS, nhất là những cán bộ trẻ.

Từ hội thi...

Đúng như đánh giá của Ban tổ chức, 37 đội dự thi đến từ 40 cơ sở công đoàn đã có sự chuẩn bị đầu tư khá công phu từ vốn kiến thức hiểu biết về các quy định VHCS theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy tắc xử sự khi giao tiếp giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa cán bộ với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có yêu cầu giải quyết công việc, biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả 8 giờ làm việc... qua phần thi ứng xử. Các phần thi biểu diễn trang phục công sở và tự chọn cùng với phần thi năng khiếu đã mang đến cho hội thi sự đa dạng và nhiều sắc màu cuộc sống. Bên cạnh các tiết mục hát đơn ca, song ca, múa, có 8 tiểu phẩm tham dự phần năng khiếu có nội dung phê phán những hạn chế, yếu kém, quan liêu, hách dịch trong công tác thực thi công vụ của CBCCVC. Qua đó, giúp người CBCCVC có thêm cái nhìn đúng đắn và nâng cao nhận thức trong tác phong, lề lối làm việc của mình.

 Chủ tịch Công đoàn viên chức Dương Thị Ninh tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia hội thi VHCS 2011

Bạn Nguyễn Huyền Trâm, một cán bộ trẻ đến từ Cục Hải quan cho biết: “Xây dựng VHCS là việc làm cần được phát huy và chú trọng hơn nữa, tạo môi trường tốt để cho người CBCCVC phát huy khả năng phục vụ nhân dân. Riêng bản thân tôi luôn coi công sở như là một gia đình thứ hai, xem đồng nghiệp như người thân của mình để có thể giúp đỡ, hợp tác với nhau để giúp cho công việc được giải quyết tốt nhất”. Cũng vậy, ở Sở Nội vụ, người cán bộ phát động phong trào tiết kiệm như không sử dụng máy lạnh vào buổi sáng, giảm các chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm trong lúc photo giấy, in ấn, cho máy tính nghỉ khi không sử dụng; đơn vị Bảo hiểm xã hội áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong việc kết nối dữ liệu với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ)...

Nói như nghệ sĩ Thăng Long, nguyên Phó phòng Văn nghệ Đài Truyền hình Bình Dương cho rằng, việc nghiên cứu các quy định, quy tắc ứng xử VHCS không chỉ là để trả lời cho tốt câu hỏi của Ban giám khảo mà từ đó liên hệ đến bản thân và cơ quan, đơn vị mình, góp phần cho VHCS ở đơn vị ngày càng được thực thi tốt hơn. 

Đến cuộc sống...

Chủ tịch Công đoàn viên chức Dương Thị Ninh, cho biết thực hiện VHCS nhằm bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của CBCCVC trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thực hiện VHCS là trách nhiệm đối với mỗi CBCCVC trong giai đoạn hiện nay.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay Quyết định 129/2007/QĐ-TTg đã dần đi vào cuộc sống. Tùy theo đặc thù hoạt động, mà mỗi đơn vị đều có cách ứng dụng phù hợp. Cán bộ Phòng Giám đốc kiểm tra Tòa án tỉnh Đào Xuân Thu cho biết, “tại đơn vị mình, ngoài các quy định của tòa án, Chánh án tối cao cũng đã ban hành các quy định đối với người CBCCVC cơ quan với các tiêu chuẩn như phải gần gũi, tận tâm, tận tình khi tiếp xúc và giải quyết các công việc cho người dân, được thực hiện từ lãnh đạo đến cán bộ, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắt”.

Nhìn từ hội thi nghĩ về công việc thường ngày của người CBCCVC đã có nhiều tiến bộ, biết chú trọng đến xây dựng VHCS nơi làm việc, hình thành đội ngũ CBCCVC ngày càng hội tụ đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực, xa rời quần chúng nhân dân, không hiểu, không tin, không yêu thương nhân dân và kết quả là “hỏng việc” như Bác Hồ đã từng chỉ rõ.

Đất nước ngày càng phát triển, yêu cầu công việc và năng lực của người cán bộ ngày càng phải nâng cao, vì thế những mặt hạn chế phải được khắc phục, loại trừ về lâu về dài nhằm xây dựng cơ quan văn hóa, bảo đảm truyền thống. Muốn vậy, người CBCCVC cần thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ trong tinh thần “người cán bộ là công bộc của dân”, “dân là gốc”, “là kết quả của công việc”, “trách nhiệm của người cán bộ là phục vụ nhân dân”...

NGỌC TRINH