Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
(BDO) Ở thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, Việt Nam cần phải chủ động xây dựng một đội ngũ trí thức mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bậc "đại trí" thông kim bác cổ đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu về đánh giá, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ trí thức. Ngày nay, dù hoàn cảnh có nhiều thay đổi song việc vận dụng những bài học của Bác về quy tụ và sử dụng đội ngũ trí thức luôn có ý nghĩa thiết thực.
UBND khen thưởng cán bộ công chức, viên chức có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân. Ảnh: Hồ Út
Đánh giá đúng vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức
Sau khi tiếp thu và thấm nhuần học thuyết Mác - Lênin để truyền bá sâu rộng và vận dụng học thuyết làm nền tảng tư tưởng cho cách mạng Việt Nam, hoạt động đầu tiên mà Bác đã tiến hành là bồi dưỡng một đội ngũ những trí thức trẻ có tinh thần yêu nước, tập hợp, rèn luyện họ để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Bác luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của trí thức, coi họ là một lực lượng đặc biệt quan trọng của cách mạng. Bác nói: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”.
Trong lãnh đạo cách mạng giải phóng và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quý trọng và tìm mọi cách phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức, tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nói: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”.
Bác thường nhắc rằng những trí thức chân chính, biết xả thân cống hiến cho cách mạng cho nhân dân là “vốn liếng” quý báu của dân tộc.
Cán bộ “một cửa” cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh : Hồ Út
Quan điểm của Bác về đào tạo, xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức
Thứ nhất, tiêu chí đào tạo trí thức cho chế độ mới, Bác đã xác định rất rõ ràng, đó là phải đào tạo toàn diện cả đức và tài. Với người trí thức mới, tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc.
Người khẳng định: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Theo Bác, một người thiếu đạo đức thì dù có trình độ học vấn, có bằng cấp, học hàm, học vị cao đến mấy cũng chỉ được coi là người làm việc trí óc, chứ chưa thể gọi là trí thức.
Thứ hai, cách thức trở thành người trí thức chân chính. Bác Hồ cho rằng, trước hết đội ngũ trí thức cần phải nắm vững khoa học, kỹ thuật và truyền bá cho xã hội, vận dụng vào thực tiễn để phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội; phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân lao động. Bác dạy, người trí thức cần xuống tận xí nghiệp, đồng ruộng để xem công nhân, nông dân yêu cầu những gì, cần phải phổ biến những kiến thức nào cho họ; đưa khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất là một công việc nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của đội ngũ trí thức.
Thứ ba, cách thức để giữ vững cốt cách, vai trò của người trí thức cách mạng. Bác Hồ coi việc tự tu dưỡng, tự phê bình là con đường đúng đắn nhất để người trí thức giữ được phẩm chất và trở nên hữu ích cho xã hội. Muốn vậy, trí thức cần phải có tinh thần lao động tích cực, khiêm tốn, học hỏi nhân dân; tuyệt đối tránh những hạn chế và thiếu sót mà giới trí thức thường hay mắc phải, như bệnh kiêu căng, tự phụ, coi thường người khác, ngại khó nhọc, khinh lao động chân tay… Người nói: “Trí thức…cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế”4.
Thứ tư, nghệ thuật sử dụng người tài và đội ngũ trí thức. Bác luôn nhấn mạnh việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Cụ thể, với những người “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Đối với công tác tổ chức cán bộ của Đảng, Người nhắc rằng cần phải coi trọng nhân tài, dù họ có là đảng viên hay không. Có thể nói, cách ứng xử và dùng người nói chung, với trí thức nói riêng của Bác Hồ đã nâng lên thành nghệ thuật.
Cán bộ hướng dẫn người dân điển biểu mẫu thủ tục hành chính. Ảnh: Hồ Út
Vận dụng những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đường lối về xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. Để triển khai trên thực tiễn, xin đề xuất một số giải pháp về vận dụng bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và địa phương các cấp. Một là, về chủ trương của Đảng, cần quán triệt sâu sắc và làm cho thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng người tài, đội ngũ trí thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Hiện nay, trong triển khai các chỉ thị của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa có chuyên đề riêng về đội ngũ trí thức. Vì vậy, kiến nghị Trung ương sớm chỉ đạo lựa chọn, biên soạn thành một chuyên đề riêng về nội dung này.
Hai là, về cơ chế, chính sách, Nhà nước, các địa phương cần ban hành văn bản mới, quy định các tiêu chí cụ thể để tuyển chọn, đánh giá, sử dụng đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu hội nhập ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; luật hóa các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh xứng đáng những trí thức có đóng góp thiết thực cho đất nước, cộng đồng và xã hội. Cần có chính sách đủ hấp dẫn nhằm thu hút, trọng dụng trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài và những chuyên gia nước ngoài có tâm huyết, muốn đến định cư và cống hiến cho đất nước, địa phương.
Ba là, tăng cường đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức mới. Triệt để áp dụng quyền tự chủ trong công tác đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học theo luật định. Cùng với đó tăng cường du nhập các chương trình tiên tiến từ các nước phát triển và các loại hình liên kết đào tạo với những trường đại học có thứ hạng cao trên thế giới.
Nhà nước cần tăng ngân sách, tuyển chọn nhiều hơn những người đủ chuẩn, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước tiên tiến. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển bằng chính tài năng của họ và sống được bằng nghề.
Đối với cá nhân người lãnh đạo, người đứng đầu từ trung ương, ngành và địa phương. Trước hết, đề cao sự nêu gương từ bản thân những người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức, địa phương.
Bác Hồ luôn là một tấm gương rất lớn trong việc tự học, tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tận tụy trong hy sinh cống hiến; lịch thiệp, công minh trong giao tiếp, ứng xử..; tạo ra một sức cuốn hút vô cùng lớn với mọi đối tượng, nhất là trước các trí thức. Bởi vậy, mong rằng người đứng đầu các tổ chức, địa phương hãy thường xuyên noi theo Bác mà tự rèn luyện bản thân để tự mình tỏa sáng, tạo ra nội lực cao, sức hấp dẫn lớn, sự nể phục từ phía đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó mà trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp và thu hút sự cống hiến từ họ cho tổ chức, địa phương và đất nước.
Thứ hai, người lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cần vận hành được một môi trường thật sự dân chủ, lành mạnh, phong cách ứng xử đúng mực để phát huy năng lực sáng tạo và khả năng cống hiến của trí thức. Học theo Bác thì nên khéo léo, linh hoạt trong việc sử dụng, bố trí công tác, giao tiếp công vụ và trong sinh hoạt đời thường đối với từng cá nhân nhà khoa học, cũng như cả đội ngũ trí thức.
Hãy đối xử theo cách của Bác Hồ: Nghiêm cẩn mà không xa cách; thân mật mà không suồng sã; hòa nhã nhưng không khinh nhờn; trọng dụng nhưng không tạo ra đặc quyền, đặc lợi; tôn trọng luôn gắn với yêu cầu cao. Đặt biệt, nên tránh những biểu hiện quan cách, đố kị; tránh lối áp đặt, ban ơn, dễ làm tổn thương với đội ngũ trí thức và sẽ không thể thu hút họ.
Thứ ba, lãnh đạo các cấp cần coi trọng vai trò, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên, nơi tập hợp đội ngũ trí thức từ Trung ương đến địa phương. Ban hành các quy định bảo đảm môi trường dân chủ, tự do học thuật, lập các tổ chức cho đội ngũ trí thức hoạt động và cống hiến; thường xuyên mở các diễn đàn để lắng nghe trí thức góp ý.
PHÓ GIÁO SƯ – TIẾN SĨ BÙI TRUNG HƯNG (TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ ĐỒNG NAI)